Ngày Thứ Hai Của Đại Hội Thánh Mẫu LaVang Lần Thứ Hai – 03/5/2015

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LAVANG LẦN THỨ HAI

CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA MELBOURNE

Ngày thứ hai của Đại Hội – 03/5/2015

Ngày thứ hai của Đại Hội diễn ra trong ánh nắng chan hoà của một ngày mùa thu Melbourne với nhiệt độ 21 độ C. Thành phần tham dự ngoài các cộng đoàn Công giáo tại Melbourne còn có các vị đến từ các tiểu bang khác trên nước Úc, và đặc biệt nhiều người đến từ quê hương Việt Nam.

Phần sinh hoạt cộng đồng

IMG_0607Bầu không khí sinh hoạt ngay từ sáng sớm đã ấm lên với màn mở đầu rất sống động và linh hoạt của Cha Nguyễn Tiến Lộc. Một ca đoàn được thành lập tại chỗ đã lên sân khấu cùng hát bài “Từ muôn phương ta về đây” rồi tiếp theo là bài “Và con tim đã vui trở lại”. Tiếp nối phần sinh hoạt là chương trình giới trẻ dưới sự hướng dẫn của Thày Đạt, (SBD), và Soeur Thuỳ Linh, đoàn viên trẻ Salesien đã cùng cộng đoàn nhảy múa và hát ca khúc “Trong Giêsu …” Bầu không khí Đại Hội được hâm nóng tiếp theo với phần trình bày của Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, Dòng CCT đang tu học tại Roma.

Bài thuyết giảng của Linh Mục Nguyễn Văn Khải

Chủ đề của bài thuyết giảng là “Vai trò của Người Công Giáo Việt nam  đối với Giáo Hội và Quê Hương”. Có thể tóm tắt bài thuyết giảng rất linh dộng và nhiều tình tiết bằng hai phần. Phần đầu: xác nhận  thái độ chống chủ thuyết Cộng Sản nhưng không chống con người đang sống dưới chế độ CS. Phần hai là “Vai trò của người Công Giáo Việt Nam.”

Thuyết trình viên đã xác định rõ ràng hai khía cạnh của một vấn đề để tránh ngộ nhận và hiểu lầm. Đó là việc phải yêu thương con người Cộng Sản vì họ cũng là “anh em với tội” và mặt kia là phải chống chế độ CS vì đó là chế độ phi nhân đã gieo rắc khốn khổ, tàn bạo, sai lầm và là tại hoạ của dân tộc cũng như cho khắp nhân loại. Tội ác của CS còn lớn lao hơn cả hành động cắt cổ, thiêu sống và tàn sát đang diễn ra của nhóm Hồi Giáo IS. Linh mục nói chúng ta không kết án người theo CS nhưng chúng ta phải lên án chế độ ấy bởi vì đó là một “cơ chế tội ác xuyên quốc gia, lan rộng khắp toàn cầu”. Giáo hội không dạy người Công giáo lòng thù hận, nhưng dạy mọi người sự yêu thương và tha thứ  “Chúa không muốn quân gian ác phải chết, nhưng Người muốn họ phải trở về con đường ngay chính.”

Vai trò người Công Giáo là gì? Người công giáo phải làm gì? Tại sao Đại Hội Lavang lại được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới? Đó là vì thân phận của chúng ta, của gia đình và quê hương gắn liền với thân phận của Gia Đình Thánh Gia, của Mẹ Maria, và của dân tộc Do Thái, một dân tộc đã bị lưu đày nhưng vẫn không mất niềm tin vào Thiên Chúa. LaVang là nơi mẹ đã đến để cứu giúp người dân Việt vùng Quảng Trị đời Vua Cảnh Thịnh (cuối thế kỷ 18) và sự tàn sát của Văn Thân (cuối thế kỷ 19) tại nhà thờ LaVang kéo dài cho đến thế kỷ 20, ngày mà người CS tàn sát bách hại trong Mùa Hè Đỏ Lửa.

Cuộc đời Mẹ chính là hình ảnh của chúng ta, của Giáo Hội và quê hương bị đối xử với hận thù, tang tóc và bách hại triền miên.  Mẹ đang đồng hành với con dân Mẹ qua nhiều thế kỷ vì thế chúng ta yêu mến Mẹ. Người Việt từ muôn nơi qui tụ về đây để cùng Mẹ tạ ơn Thiên Chúa, xây dựng một cộng đồng  Đức Tin vững mạnh và duy trì, giữ gìn văn hoá Việt. Từ đất khách con người tha hương nói về nỗi nhớ quê hương như người Do Thái luôn nhớ  về Sion và về Giêrusalem. Người Việt tỵ nạn cũng vậy, cũng nhớ quê hương da diết, một quê hương đang bị chế độ CS thống trị, đang bị Tàu Cộng thôn tính, nhớ người anh em đang còn bị đàn áp bầm dập nơi quê nhà. Vì thế phải có quyế tâm hành động.

Vậy thì “Đâu là vai trò của người Công Giáo Việt Nam tha hương”? Người Công Giáo tha hương có nhiều vai trò. Thứ nhất là phải quyết tâm hành động như bài hát mà ca đoàn đã trình bày ngày hôm qua nói lên nỗi niềm xa quê hương, nỗi nhớ đồng bào của người dân Việt xa quê mẹ như Mẹ Maria xưa kia. Con dân Mẹ đã hội nhập vào quê hương mới khắp nơi và đã đóng góp tích cực vào quê hương mới đó.

Thứ hai  là phải góp phần xoa dịu đau thương và nỗi thống khổ của người dân nghèo nơi quê nhà. Bởi vì bác ái là một bổn phận quan trọng. “Phúc thay cho những kẻ thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa đáp lại.”

Thứ ba là sứ mạng đóng góp để khôi phục những cơ sở vật chất, những nơi thờ phượng của  giáo hội tại quê nhà. Về mặt này người Việt khắp nơi đã làm nhiều. ĐC Mai Thanh Lương cho biết ngay tại Quận Cam (Orange County) đã có tới 70 tổ chức giúp đỡ cho Việt Nam. Tuy nhiên phải coi chừng việc trợ giúp ấy để cho có hiệu quả, tránh việc lợi dụng, lạm dụng và lãng phí hoặc tiếp tay phá bỏ những công trình thuộc về văn hoá không phải chỉ là di sản của người Công Giáo mà  là của cả dân tộc. Có rất nhiều ví dụ về lãnh vực này. Tuy nhiên thánh dường của Chúa quan trọng hơn cả là thánh đường trong mỗi con người. Đó cũng là chủ trương của giáo Phận Kontum của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh nơi đang thiếu hàng trăm nơi thờ tự và nhiều nơi đang bị nhà cầm quyền đe doạ  xoá sổ.

Thứ tư là vai trò thăng tiến giáo dục và văn hoá cho dân tộc góp phần làm phát triển nền văn hoá và giáo dục của Việt nam cho cả những người trí thức vì họ đang bị mê muội trong một xã hội không có sự thật vì xã hội ấy bóp méo và e sợ sự thật.

Thứ năm là phải góp phần tăng tiến nền đạo đức cho dân tộc vì hiện nay chủ trương của kẻ lãnh đạo đất nước là phá hoại nền tảng đạo đức bằng những thủ đoan tưởng chừng như làm phát triển đạo đức nhưng thực sự là làm băng hoại nền tảng gia đình, xã hội, giáo dục và đạo đức đã có từ lâu đời của dân tộc. Báo chí đã viết rất nhiều về hiện tượng phá hoại này.

Thứ sáu là phải góp phần dân chủ hoá đất nước, giảm bớt tai hoạ của CS. Đây là trách nhiệm quan trọng nhất. Phải dấn thân bằng cách tố cáo tội ác CS với thế giới bằng mọi phương tiện (thơ ca, bài hát, …) Phải dấn thân bằng cách ghi tên, ký tên vào những bản thỉnh nguyện bởi vì sự im lặng của những người tốt là việc làm góp phần vào sự phát triển của sự ác. Phải bênh vực những người đang đấu tranh giúp đỡ dân oan, giúp dỡ những tù nhân lương tâm bằng cách gọi điện thoại , gửi thư, vận động xin chữ ký … với các vị lãnh đạo thế giới.  Phải tham gia đấu tranh cho công lý và hoà bình bằng phương pháp ôn hoà. Người công giáo có bổn phận phải phản đối bằng phương tiện hoà bình. Đó là một trách vụ. Quan trọng nhất là phải dấn thân làm chính trị.  Làm chính trị là bổn phận và lợi ích của giáo hội. Giáo Hội muốn “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Người giáo dân Việt dấn thân làm chính trị thì có lợi ích rất nhiều cho dân tộc.

Thứ bảy và là điều mấu chốt đó là phải biết cầu nguyện. Cầu nguyện, hy sinh và hành động là một tiến trình liên tục và nhuần nhuyễn. Cầu nguyện khiến chúng ta gần gũi với Chúa và chóng nhận được hồng ân của Người. Người Cộng Sản chạy theo ma quỷ, là hiện thân của thế tục. Vì thế cần phải cầu nguyện.

Tóm lại, người công giáo phải biết tu thân, lo cho gia đình mình trước  rồi sau đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng cộng đồng và dân tộc quê hương.

Chương trình sinh hoạt và Dâng Hoa kính Dức MẹIMG_0412

IMG_0456Linh mục Hoàng Kim Huy, phụ trách giới trẻ của Tổng Giáo Phận và Linh mục Trần Ngọc Tân, Quản nhiệm Trung Tâm CG Vinh Sơn Liên đã đồng thời có phần giảng thuyết và sinh hoạt giới trẻ và giới trung cao niên tại Đại Hội. Phần sinh hoạt rất bổ ích và linh hoạt.

200 thiếu nhi, phụ nữ, thanh thiếu niên và quý ông đã trình diễn liên khúc dâng hoa chưa từng có của cộng đồng công giáo trước sự ngưỡng mộ và cổ vũ của hàng ngàn người tham dự.

 

Thánh lễ bế mạc Đại Hội

IMG_0702

Thánh lễ bế mạc đã diễn ra với sự tham dự của khoảng chừng 3.000 giáo dân và khoảng 500 thiếu nhi. Trên bàn thánh có sự hiện diện của Đức Cha chủ tế, ĐC Hoàng Đức Oanh, và ba Đức Cha đồng tế, ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Đức Cha Peter Elliot, ĐC Terry Curtin, ĐÔ Bennette, 24 linh mục đồng tế Việt Úc, một phó tế và linh mục trưởng nghi lễ, Cha Tuệ.

Trong phần mở đầu, Đức Cha chủ tế đã mời mọi người hiện diện cầu nguyện cho hoà bình của thế giới, của nước Viêt Nam thân yêu để quê hương sớm được hưởng nền hoà bình, tự do, hạnh phúc đích thực thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ, nghèo đói và khát vọng tự do. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho những Kitô hữu đang bị bách hại khắp nơi trên thế giới.

IMG_1048Đức Cha Vinh Sơn trong bài giảng đã mời gọi mọi người chúc tụng Thiên Chúa vì Người đã quan phòng tới con dân Chúa, những người phải bỏ quê hương đi lưu đày như dân Do Thái ngày xưa. Nhưng sau 40 năm lưu đày, những con người  bị cộng sản loại bỏ, những con dân Chúa ấy đã chứng tỏ sự thành công trên mọi lãnh vực đáp lại tấm thịnh tình và lòng bác ái của người dân Úc Đại Lợi. Người dân Việt tỵ nạn cũng không quên ơn của vị Thủ Tướng Úc Malcom Frazer, người vừa mới giã từ chúng ta và nước Úc để về quê trời. Người Việt đã gạt nước mắt ra đi, bỏ qua quá khứ đau buồn và trở thành khí cụ của Thiên Chúa trên quê hương mới này. Qua Đại Hội này, chúng ta muốn chứng tỏ sự cám ơn của mình với Thiên Chúa như dân Chúa ngày xưa. Cầu mong mọi người Việt chúng ta cùng hợp tác cho một mục đích chung đó là vun đắp cho quê hường nước Úc và quê hương Việt Nam thân yêu với tinh thần bất khuất mà cha ông của chúng ta là các Thánh Tử Đạo đã thực hiện qua lịch sử hào hùng của dân tộc. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta bởi vì “Ai gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui cười.”

Lời cám ơn của Ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục vụ CĐCG Melbourne

Sau Thánh lễ đIMG_1087ại trào, anh Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch Hội Đồng Công Giáo Melbourne đã thay mặt ban tổ chức cám ơn quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và đông đảo đồng bào hiện diện. Anh cũng ngỏ lời cám ơn đến tất cả những người đã ít nhiều đóng góp cho sự thành công của Đại Hội. Lời tâm tình của anh đã bị ngắt quãng bởi những xúc động khi liên tưởng đến những sự đóng góp của toàn thể cộng đoàn Công Giáo Melbourne.

Lời cám ơn của Đức Cha Vinh Sơn

Đức Cha Vinh Sơn sau đó đã ngỏ lời cám ơn quý đức cha và quan khách cùng đông đảo đồng bào giáo dân. Đức Cha nói đến hai phép lạ: một là hai ngày Đại Hội nắng ấm và khô ráo, hai là tình đoàn kết gắn bó của đông đảo anh chị em mọi tầng lớp đã giúp cho Đại Hội thành công tốt đẹp.

Tình cảm của hai Đức Cha phụ trách vùng Nam và Đông Melbourne

Đức Cha Peter Elliot phụ trách vùng South Melbourne đã bày tỏ sự tri ân với Mẹ Maria vì Mẹ đã đem người dân Việt đến nước Úc này như những người tổ tiên khác của người di dân từ các nước đã đến Úc để tạo thành một dân tộc mới. Vì thế chúng ta không ngừng cầu nguyện để Chúa và Mẹ ban ơn cho chúng ta.

Đức Cha Terry Curtin đã bày tỏ sự xúc động khi thấy người công giáo đoàn kết với nhau trong công việc chung và luôn chung lời cầu nguyện cùng Mẹ. Đó là một hồng ân cho nước Úc.

Tâm tình và sự đóng góp bất ngờ của Đức Cha Micae

Một sự việc bất ngờ vào phút chót là ĐC Micae đã dành tất cả số tiền giáo dân tặng Ngài và Giáo phận Kontum của Ngài cho Đại Hội và một phần khác Đức Cha dành cho Caritas Melbourne để giúp người anh em Népal sau trận động đất khủng khiếp ít ngày vừa qua.

Kết thúc Đại Hội

Trong một ngày nắng ấm chói chang khác thường của mùa thu nước Úc, Đại Hội đã khép lại trong nụ cười, niềm vui, hy vọng và lời cảm tạ chân thành với Thiên Chúa. Cám ơn tất cả những ai đã ít nhiều đóng góp cho sự thành công của Đại Hội. Hẹn gặp nhau trong Đại Hội thứ ba năm 2017.

Trần Bá Nguyệt (Dân Chúa Úc Châu)