Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa là mầu nhiệm Chính Trong Đạo, nhưng không dễ hiểu! Nhưng không
phải vì thế, mà ta không thể hiểu biết tí gì về Thiên Chúa. Và điều quan trọng, không phải là đi tìm
nguyên lý sâu xa về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để giải thích thắc mắc tại sao lại có “Ba trong Một”
hay là “Một trong Ba”, mà là xem mầu nhiệm này có ý nghĩa gì và liên quan gì đến đời sống con
người chúng ta? Và chúng ta phải sống làm sao để mầu nhiệm này trở nên niềm tin căn bản, để niềm
tin này thấm nhập vào đời sống mình?
Kinh thánh mạc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4:16). Mà nếu Chúa là tình yêu,
thì tình yêu không thể hiện hữu một mình. Yêu đúng nghĩa là phải cho đi, phải chia sẻ; và còn phải là
đón nhận nữa. Có nghĩa là trong tình yêu phải có ít nhất hai đối tượng: người yêu và người được yêu.
Hay nói cách khác, tình yêu phải có trao và nhận qua lại, phát xuất và hội tụ.
Thánh Âu-gus-tin đã ví Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm phát xuất của Tình Yêu (Lover); Chúa Con
là hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu (Beloved); và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là
mối dây liên kết của tình yêu (Love).
Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với Chúa Con, qua Chuá Thánh Thần. Trong Mầu nhiệm tình
yêu, Cha trao tất cả cho Con; Con dâng hiến tất cả cho Cha; và Thánh Thần là sự hiệp thông của trao
ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha không hiện hữu cho chính mình,
nhưng cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cũng vậy, Chúa Con không hiện hữu cho mình, nhưng
cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu vì Chúa Cha và Chúa Con.
Tức là sự hiện hữu của Ba Ngôi, là để cho nhau và vì nhau.
Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là Tình Yêu riêng biệt tận cõi trời, nhưng chính là Tình Yêu chảy
trào tới con người nhân thế vũ trụ. Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng
Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh
của Ngài. Khi chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa là
Đấng Sáng Tạo (Ngôi Nhất), là Đấng Cứu Chuộc Ngôi Hai), và cũng là Đấng Thánh Hóa (Ngôi Ba),
Đấng đã và đang tái tạo con người từng giờ từng phút.
Trong sách Xuất Hành chúng ta đọc thấy rằng bản chất của Thiên Chúa là “nhân hậu và từ bi, hay nén
giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6). Thật vậy, nếu cần định nghĩa về Thiên Chúa, thì Thiên
Chúa là “Tình yêu”! Khi chúng ta tin vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là chúng ta tin vào một
Thiên Chúa của yêu thương và thành tín. Khi chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa là
chúng ta tin vào một Đấng Tình Yêu đã và đang sáng tạo, cứu rỗi và thánh hoá con người. Trong Tin
mừng theo Gioan (3:16-17) cho chúng ta ba nét chính về Tình Yêu Ba ngôi TC:
1) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu đi vào tận hiến, là tình yêu chẳng hề biết giữ lại cho mình.
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…” (Ga 3:16a). Khi yêu ai thì
chúng ta muốn cho đi những gì quý nhất của mình. Cũng vậy, vì yêu, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng
chúng ta theo hình ảnh củả Ngài, nhưng còn trao ban cho chúng ta chính con người của Ngài khi nhập
thể mặc lấy xác phàm. Đó là một sự hiến trao của Tình Yêu Sáng Tạo, đem lại một cơ hội cho con
người tiếp cận với sức sống thần thiêng.
2) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu. Kinh thánh chép rằng:
“… để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không bị hư mất, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16b).
Khi yêu ai thì mình làm cho người đó trở nên tốt đẹp hơn. Cũng vậy, vì yêu, Thiên Chúa ao ước cho
chúng ta được chia sẻ hạnh phúc muôn đời với Ngài. Đó là mục đích của Tình Yêu Cứu Độ, tình yêu
đem lại sự sống cho con người hư nát vì tội lỗi.
3) Tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu đem lại biến đổi: “Thiên Chúa sai Con của Người đến không
phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3:17). Tình yêu
chứ không phải hình phạt sẽ cảm hoá được người khác. Vì yêu, Thiên Chúa không muốn ai phải trầm
luân. Nhưng nếu có ai đó bị hư mất thì vì họ đã tự khép lòng lại trước tình yêu của Thiên Chúa.
Mỗi lần giơ tay làm dấu Thánh Giá, xin cho chúng ta được kết hợp với Tình Yêu của Ba Ngôi TC.