Những bông hoa đang âm thầm phục vụ cộng đồng.

16 Đình Trị ++helping_hands

Chị Nguyễn Đình Trị

Có người ví mỗi người phụ nữ là một bông hoa. Chắc chắn là có tí chút galăng trong câu nói đó, nhưng dù sao họ cũng đáng được vinh danh là “phái đẹp.” Hơn thế nữa, họ đẹp vì sắc và đẹp cả về tâm hồn. Mõ tôi mù tịt về việc “nịnh đầm” lại không có năng khiếu thẩm mỹ nên xin phép miễn bàn cho cái khoản khen về cái sự đẹp xấu ở phái tự nhiên đã rất.. ‘đẹp.”

Ngoan Hà Nhuận Mây

Các chị Ngoan, Hà, Nhuận, Mây
Nhân Tháng Hoa, tháng mà Báo Dân Chúa có chủ đề về Tháng Hoa dâng Đức Mẹ. Tôi cũng xin mạo muội viết mấy hàng về những bông “Hoa người” đang âm thầm phục vụ trong cộng đồng Dân Chúa. Họ âm thầm phục vụ nên họ cũng chẳng cần đến “Mõ” nhà tôi khua khắng la lên làm gì. Họ phục vụ là phục vụ, chứ đâu có muốn cho mọi người “phải biết đến” thì họ mới phục vụ. Mà trước khi tôi viết những dòng này, họ đã phục vụ từ lâu, từ lâu lắm rồi. Tôi cũng đôi khi tính chụp hình họ để làm tài liệu ghi nhớ, nhưng họ biết tôi là mõ làng Melbourne, nên thấy tôi đến gần thì họ chào cười, nhưng thấy tôi đưa cái máy chộp lên là họ né, thân làm mõ như tôi kể cũng khổ như vậy đấy. Nhưng không sao, không cho tôi chụp thẳng thì tôi cứ cố gắng chụp lén vậy, đôi khi chụp lén thế mới tự nhiên và những bông hoa âm thầm này càng trở nên đẹp rực rỡ. Rực rỡ mà âm thầm, vì họ vẫn cứ âm thầm phục vụ mãi mãi.

Mây, Nguyệt, Hải + - Copy

Các chị: Mây, Nguyệt
Tôi xin phép các chị, “những bông hoa âm thầm” mà bị tôi chụp lén, nếu trong khuôn khổ tờ báo cho phép đăng được hình các chị lên, các chị đừng buồn nhà Mõ này nha, hoặc nếu các chị không thích, có dịp gặp lại Mõ thì xin cứ việc “gõ” mõ, mõ mà bị gõ đau, thì mõ càng kêu to lên, nhờ tiếng kêu đó mà cả làng cùng biết thì mấy chị đừng trách. Vì Mõ nhớ trong một lần Đại hội Thánh Mẫu Lavang Năm 2013. Linh mục Tiến Lộc khi sinh hoạt chung, Ngài có phổ biến một bài hát vui: Không ai đốt đèn rồi lấy thùng úp lên… Gương các chị sáng như vậy mà không khoe cũng uổng.

Chị Thanh

Chị Thanh
Khua khắng tí cho cả làng biết, trước khi nhập đề, nhưng có ai bị phiền thì nhớ cho một điều cấm kỵ là: “chấp ai thì chấp, nhưng đừng bao giờ chấp Mõ,” vì nếu không khéo lại bị thiên hạ họ bảo là: “ôi; sao lại đi chấp cả với ‘thằng’ Mõ thì hơi buồn đó! Vâng, giờ thì Mõ tôi xin ‘cả tiếng lại dài hơi’ mà thưa rằng: chiềng làng, chiềng nước, thượng, hạ, đông, tây ‘cốc cốc cốc..:

Chị Nụ

Chị Nữ
Trong những cuộc lễ lậy của các cộng đoàn hay cộng đồng chúng ta, mọi người đến dự, gần cũng có, mà từ xa đến cũng có, nên ngoài việc lo mời quý cha đến để các Ngài lo cho mọi người được thưởng thức những món ăn tâm linh, nấu nướng các món ăn cho ai trong chúng ta cũng được no thỏa từ lời của Chúa. Các ban tổ chức cũng thường lo luôn cho mọi người đến dự có những món ăn ngon miệng cho no thỏa cả về phần thể xác nuôi sống con người nữa. Vì lâu lâu mới có dịp tổ chức, nên chương trình thường cũng dài. Do đó, các ban tổ chức phải lo xa, sợ Dân Chúa khi đến dự, nhẹ thì khát nước, mà nặng hơn thì đói bụng, nên ban tổ chức nào cũng lo cho cộng đoàn thức ăn, thức uống từ nhẹ đến nặng. Như vậy, vừa giúp cho mọi người có nhiều thời gian hơn để tham dự các giờ nghe giảng, hay có thể chú tâm nhiều hơn vào việc cầm lòng, cầm trí mà hiệp dâng Thánh lễ, chưa tính đến chuyện cho người khỏe ăn đã vậy, còn giúp cho những người có bịnh phải ăn theo giờ giấc cũng dễ dàng hơn.

Suy và Thoa.

Chị Suy và Thoa
Mõ tôi rất dốt về Thánh Kinh, nhưng có nhớ tới một đoạn nói về chị em nhà bà Mátta và Maria. Hỏi đoạn nào thì Mõ không biết, mà không biết thì Mõ phải hỏi nhà anh Google, thế là anh ấy chỉ cho một bài, mà Mõ xin trích ra đây phần nói về sự thể hiện lòng yêu kính Chúa của hai chị em bà Matta và Maria mỗi người thể hiện tình yêu Thiên Chúa một cách, nhưng chung quy họ đều làm đẹp lòng Chúa với tựa đề:
“Phúc Âm: Lc 10, 38-42
“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Mátta và Maria
Câu chuyện Chúa Giêsu vào nhà Mátta và Maria nghỉ ngơi, khi cùng với các môn đệ đang trên đường rao giảng Tin mừng, cho chúng ta một nét đẹp trong chân dung của người Tông đồ phục vụ anh chị em mình. Trong khi cô em là Maria đang ngồi lắng nghe lời chúa, thì Mátta tất bật với công việc một người nội trợ thật tuyệt vời. Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ, thái độ đón tiếp của bà. Bởi Chúa cũng cần lắm những cộng sự viên năng nổ, năng động như Mátta. Nếu làm một cuộc so sánh hai chị em thì chúng ta phải khẳng định rằng: Maria là người thiên về đời sống nội tâm, còn Mátta thì hướng đến sự chia sẻ và trao ban. Cả hai đều là những cách thế thể hiện một tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa và tặng ban cho con người. Vả lại, Maria là người em nên có khi hơi ỷ lại một chút, công việc bếp núc cũng có phần nặng nhọc và cần đến sự khéo léo và tài tình, nên dành cho người chị thì có lẻ tốt hơn.
….Lm Giacôbê Tạ Chúc 2010”

chị Mây

Chị Mây
Đọc đoạn văn trên của Lm Giacôbê Tạ Chúc viết, mà nhận xét thì ở vào thời đại ngày nay, và nói về nơi chúng ta đang sống, những người như Mõ và các bạn, phần đông chúng ta đều theo gương người em là bà Maria để “chọn phần tốt nhất,” vì vừa được lắng nghe lời Chúa từ các linh mục giảng thuyết, vừa được thưởng thức các món ăn ngon của các bà Matta thời nay. Còn số ít hơn mới đi theo chân bà Mátta, “nói ít là so sánh với đám đông, chứ không phải ý Mõ nói ít là không nhiều, đúng là Mõ tôi viết có chút lẩm cẩm xin thông cảm, Mõ mà.” Bởi thế cho nên, Mõ tôi mới dám mạnh miệng mà vinh danh họ, bởi vì họ là những “bông hoa thầm lặng.” Và tôi xin kể ra đây một số các bông hoa mà tôi gặp. Tôi chắc là nhiều nơi khác trong các cộng đoàn cũng có nhiều, nhiều lắm các chị em thể hiện tình yêu Thiên Chúa qua sự phục vụ mọi người nữa, nhưng vì Mõ tôi không biết, không gặp, nên không kể được ra đây, mong các chị vì lòng khiêm nhường vốn có mà bỏ qua cho Mõ nhà tôi nhé.

Bà Châu

Chị Châu
Bữa Mõ nhà tôi đang lăng xăng ở Trung tâm Vinh Sơn Liêm để chụp hình các anh em chuẩn bị cho Đại hội Lòng Chúa Thương Xót của cộng đồng. Mõ gặp chị Phạm Kim Vinh với tên thường gọi là chị Châu. Chị vừa cười, vừa đùa nói với nhà Mõ: sao bữa nay Mõ không lên sớm để học thêm một việc ‘quan trọng’ nữa là “ướp cánh gà.” Chị nói tiếp: tôi vừa ướp xong đến hơn 300 kg cánh gà cho buổi tiệc của đại hội. Mõ tôi ngớ ra, ơ hay cái nhà bà chị này, sao lại nói mình đi học cách nấu ăn nhỉ? Vì từ xưa tới nay, mình có phải nấu nướng bao gìơ đâu mà phải học? Mõ tôi mới thành thật khai báo với chị là Mõ này chỉ biết ăn chứ đâu có biết nấu nướng gì đâu! Nói ra thật xấu hổ, đến nấu một gói mì ăn liền thôi mà Mõ còn chưa nấu nên thân đó. Ở nhà, không ai nấu cho ăn thì Mõ này đành nhịn xem “đói ai cho biết!” Chị mới cười thật tươi rồi nhắc lại cái bài mà Mõ đã “chiềng làng” hôm tết vừa rồi, nói về “Hội bánh chưng.” Trong ngày đó, Mõ này được anh Miện cho cái job lau lá thôi mà đã “hưu hưu tự đắc,” coi cái job lau lá của mình là việc ‘quan trọng’ nhất trong hội bánh chưng đó, ghê chưa?

Mai - Copy

Cô Mai
Khi chị nhắc lại Mõ đâm thẹn vì mình làm thì ít, mà khoe thì nhiều. Còn cái bà chị này thì làm nhiều mà ít nói. Vì Mõ cứ thấy anh em ở trung tâm động làm việc gì, thì chị lại tự ý nấu nướng mang cơm, canh ngon lành đến cho anh em ăn. Vui miệng, chị nói là chị đã cuốn hơn 6 ngàn hay 8 ngàn cái chả giò (Mõ giờ trí nhớ kém không nhớ rõ) và vừa ướp xong 300 kg cánh gà cho bữa tiệc sắp đến của đại hội, tôi viết ra thì quý vị đọc chưa thấy gì, chưa tưởng tượng ra, nhưng nghe con số chị nói cũng phải phục chị, chị giỏi thật, Mõ khen thật đó nha chị Châu. Này nhá, làm nhân cho mấy ngàn cái chả giò, rồi cuốn, rồi bỏ vào tủ đá cho khỏi hư với khối lượng lớn như vậy không biết sắp xếp cũng mệt lắm. Còn cánh gà mua với số lượng nhiều, nhưng phải tươi ngon mà gía lại muốn rẻ cũng không phải ai cũng quen mà làm được.

Ngoan

Ngoan và các bạn
Hôm Đại hội Lòng Chúa Thương Xót, cả ba ngày đều có giải lao mà thật nhiều món để ăn và uống, thấy các chị trong Ngành Nữ Tông Đồ, Liên Minh Thánh Tâm, Các chị trong Legio phục vụ thật chu đáo, bánh trái, nước uống, cà phê, nước ngọt, nước trà được chào mời rất tận tâm, tận tình. Những chiếc bàn dài với xôi, với bánh trái đầy ắp.
Đóng góp vào những bữa ăn, chúng ta còn thấy những chiếc bánh cam tròn vo, vàng ươm, mè rắc chung quanh lấm tấm như hoa, trông đã đẹp mắt mà ăn còn ngon cái miệng nữa, và thêm những chiếc bánh dầy đỗ nữa, chúng tôi được biết những chiếc bánh đó là do công lao của chị Nguyễn Đình Trị. Chị đã bỏ công lao để làm hơn 1 ngàn chiếc bánh cam và 7 trăm cái bánh dầy đỗ, nghe con số cũng nói lên được nhiều công lao bỏ ra cho chúng ta được thưởng thức những thức ăn ngon, và xin cám ơn đến những bàn tay khéo léo, giỏi giang vì việc chung đã làm ra nó cho mọi người cùng thưởng thức.

Quế Thêu

Cô Tống Thị Quế và Mai Thị Thêu
Mõ tôi còn đang lăng xăng đeo máy móc lủng lẳng đi lại, thì có chiếc xe đỗ xịch ngay bên cạnh, quay sang thì thấy cô Mai Thị Thêu nói: hộ em một tay, cô mở cửa xe, thấy hai nồi chè bự ‘chà bá,’ cô nấu cho hằng trăm người ăn, mà cô còn mang kèm theo nào ly, nào muỗng nhựa. Nhắm sức Mõ nhà tôi cũng không thể bê nổi, nên phải hò có thêm người nữa mới khiêng mang vào hội trường cho các chị em khác giúp múc sẵn ra ly cho mọi người đến giờ giải lao có thể dùng ngay. Cái cô Thêu này cũng thuộc vào hàng nổi tiếng phục vụ ở các cộng đoàn, vì đi đâu Mõ cũng gặp cô lăng xăng dưới khu bếp, chuyên xông pha vào nơi khói lửa, để lo phục vụ nấu nướng các món ăn, cô Thêu cũng đáng để chúng ta coi là đóa hoa rực rỡ sắc mầu, mà cũng không muốn khoe sắc.

Chị Hải

Chị Hải.
Vừa bê xong hai thùng chè, lại một cái xe khác vào sân, cái cô Tin trưởng Giáo khu Gioan Bosco quen thuộc, thấy Mõ tôi đang sớ rớ bèn vui vẻ cười cầu tài: anh làm ơn khiêng hộ mấy thùng rau gỏi xuống hộ với. Tôi kêu thêm người đến nhưng được nhắc lại là: nặng lắm đó, và làm ơn bê ‘đít’ hộ em (ôi, tiếng Việt ôi là tiếng Việt, nói tắt nghe sao mà kỳ qúa) phải nói là bê phía đáy thùng hộ em chứ, vì bê không khéo nó đứt quai là hỏng bét, mỗi thùng gần một tạ rau củ đó!

45 Sáng - Copy

Cô Quách Thị Sáng
Rồi mấy chị em trong Phong trào Cursillo, những cô Tống Thị Quế, cô Quách Thị Sáng, Suy Phạm những bông hoa tươi xinh, cũng không bao giờ vắng mặt nấu ăn cho cộng đồng, từ các lễ mừng chung trong các cộng đoàn, hay cộng đồng, đoàn thể, rồi lễ mừng ngân khánh, kim khánh hay lễ mừng quý tân chức, và luôn lo cho từ hằng trăm khẩu phần ăn trở lên. Họ là những người hầu như chỉ biết phục vụ cho cộng đồng, mọi nơi, mọi lúc, và hình như họ cũng không biết từ chối cộng đồng một việc gì, khi được nhờ tới, bởi vì tôi đi lễ nào lớn trong cộng đồng cũng thấy quý cô.

Trở về với Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm nhân Đại hội Lòng Chúa Thương Xót của Cộng đồng Công giáo Tổng Giáo phận Melbourne. Ngoài phần các nghi thức tôn giáo của ngày đại lễ thật tốt đẹp. Chúng ta cũng phải nói đến sự thành công về mặt tổ chức, có nhiều công lao đóng góp trợ giúp của mọi cộng đoàn chung tay. Chúng tôi cũng phải nói đến sự hiếu khách của cộng đoàn có trách nhiệm tổ chức. Viết hết ra thì dài dòng văn tự. Mõ nhà này chỉ xin kể về việc lo lương thực cho mọi người mà các chị em là chính. Xuống khu chế biến thức ăn, chúng tôi lại gặp các chị Mây, hai chị Hải, chị Hóa, chị Nữ, Chị Thanh “Lý,” chị Lan lớn, Lan nhỏ, chị Vân, cô Mai, cô Hà, cô Nguyệt, ôi đông lắm, Mõ này không biết và cũng không thể nhớ nổi tên những cái tên của các loài hoa rất đẹp, nhưng coi họ thì đúng là không “muốn ăn’ nhưng cứ ‘phải lăn vào bếp.’ Mà không lăn vào bếp làm sao cho được, lo cho hơn ngàn con người đến dự đại hội với mấy bữa ăn, nào bữa ăn nhẹ, và bữa tiệc chính, chưa kể đến phần nước uống, với bánh ngọt, bánh bông lan, cà phê, nước trà. Còn tiệc mặn thì nào lo các đĩa bánh tráng ướt được gỡ ra, rồi xếp ra đĩa, thêm hành khô, gia vị, thêm rau, cắt chả, cắt giò, còn cả thùng nước mắm mà nghe chị Mây nói, chính tay chị phải pha chế đến 32 lít nước chấm cho riêng món bánh tráng ướt này thôi. Bởi vì, bánh tráng ướt mà không có nước chấm chan vào, thì đời sẽ trở nên nhạt thếch, thiếu hẳn cái đậm đà cho ông thần khẩu thưởng thức được vị ngon. Rồi xôi lá cẩm, xôi lạc, bánh cam, bánh dầy đỗ, cánh gà, chả giò. Nhất là hai món cánh gà phải chiên cho nóng, hơn 6 ngàn cái chả gìo và gần 3 trăm kg cánh gà, hơn ngàn bánh cam, phải dùng nhiều bếp để chiên, nhiều người coi bếp, mà cũng mất đứt cả buổi mới xong. Ngoài các chị lo chiên cũng có thêm bông hoa “đực” là chú Hiếu tham gia góp sức, chưa tính các anh chuyên chở vận chuyền qua lại như con thoi từ bên nhà xứ Saint Michael mang về. Rồi gỏi cũng được tính số lượng hằng tạ trở lên. Mõ không tham gia trực tiếp công việc mà chỉ ghi lại thôi nghe đã thấy mệt rồi. Phào..

Hải Thanh Mây Hà ++

Từ phải sang trái các hị: Hải, Thanh, Mây, Hà vv.
Ngoài ra, một khâu cũng thật quan trọng là tiếp tân, các chị đồng phục áo dài lo xếp đĩa, xếp giấy, xếp thìa, xếp bánh. Hằng ngàn cái đĩa, mỗi đĩa là một tờ giấy lau miệng, xếp lại thành chồng để mang ra các bàn cho thực khách, để họ dùng lấy và đựng thức ăn. Rồi họ lại còn phụ giúp các cụ gìa lấy thức ăn, tiếp thức ăn thêm vì lượng người đông, nên cứ phải tiếp liên tục mới đủ. Ôi những chị Ngoan, chị Tin, chị Quang, cô Hà, cô Tâm và nhiều nhiều nữa vv. Đứng hàng ngang tại các bàn coi món nào thiếu là chạy đi lấy mang thêm ra tiếp khách.
Tiệc xong, mọi người ra về, thì có công việc khác là dọn. Công việc cứ liền tay. Mọi người lại lo dọn, nào một đống rác của đĩa giấy, bát giấy, ly nhựa, giờ thì tất cả đã được bỏ vào trong các thùng đựng rác đặt rải rác ở mọi khu cho mọi người bỏ vào cho gọn. Rồi các đĩa, các khay nhựa, thứ nào giữ lại, thứ nào bỏ đi, lại lựa ra rồi dọn dẹp cho gọn gàng xong sang ngày sau, rác thì có anh Nhuận mang xe đến chất đầy um một moọc kéo đi dùm. Còn những đĩa nhựa lớn, giờ mới mang rửa sạch, phơi khô, lau chùi xong, rồi lại lựa ra cất vào kho để dành cho các kỳ lễ tiếp. Một trăm thứ việc chung mà các chị còn coi hơn việc nhà, ấy thế mà vẫn vui vẻ làm trong một tinh thần phục vụ cộng đồng.
Bài này, Mõ tôi xin dành để nói riêng về các bông Hoa trong cộng đồng. Xin quý ông thông cảm cho. Mõ tôi cũng biết nhiều quý ông đã, đang, và sẽ còn bỏ nhiều công sức để làm việc cộng đồng, những công việc nặng nhọc và đòi hỏi đến lòng nhiệt thành, đến chuyên môn, đến tinh thần phục vụ. Thiếu quý ông đóng góp là thiếu đi rất nhiều nét đẹp, sinh động trong cộng đồng. Mõ tôi xin sẽ có bài viết khác để vinh danh khi đúng dịp.

Cố Ngoãn

Bà cố Ngoãn

Còn một số bông hoa nữa không thể quên, tuy đã nhiều tuổi nhưng trông các Ngài còn nhanh nhẹn lắm. Đã nhiều năm qua, ai đến Trung tâm Vinh Sơn Liêm cũng thấy cái sân trung tâm rộng lớn luôn sạch sẽ, dù cho những “Mùa Thu lá bay” hay Mùa Hè nóng bụi, sân trung tâm luôn sạch sẽ là nhờ bà cố Ngoãn, Bà Hoa, và các chị Nguyệt và Đính. Linh mục quản nhiệm đã kêu gọi thêm người tình nguyện làm công việc này cho hai cụ nghỉ ngơi, nhưng xem ra các cụ không thích nghỉ, không thích bỏ cái công việc đã, đang làm này nhiều năm rồi. Chưa kể khi có những dịp mà trung tâm có những việc lớn lao hơn, các cụ vẫn hăng hái đóng góp bàn tay mình vào những công việc theo khả năng mà các cụ có thể. Nhìn các cụ làm việc trên nét mặt tươi vui tỏa ra niềm hạnh phúc tuyệt vời. Ôi các bông hoa nở tươi xinh, đẹp mãi theo thời gian phục vụ.
Nhìn họ làm trong vui vẻ, hăng say như chính việc nhà họ vậy. Mõ đâm cảm kích để viết mấy dòng vinh danh họ, mai này trong Đại hội Thánh Mẫu Lavang vào đầu tháng Năm sắp tới, cũng chính họ lại bỏ công việc nhà mà lo tiếp công việc của cộng đồng.
Mẹ Maria ơi, Mẹ là Mẹ nhân lành của chúng con. Bản thân chúng con thuộc về Mẹ. Nhân Tháng Hoa dâng Mẹ, con dâng lên Mẹ những đoá hoa thiên nhiên xinh đẹp, Con xin dâng thêm lên Mẹ Maria rất Thánh, những bông Hoa người thật đẹp này, nhưng vì họ sống thật khiêm nhường theo gương Mẹ, họ là những bông Hoa thật rực rỡ trong cộng đồng chúng con, xin Mẹ nhận lấy những bông Hoa này và thêm sức cho họ, để họ luôn an vui, mạnh khỏe và phục vụ cho cộng đồng chúng con.
Bông sen đá vườn nhà
Tháng Năm dâng Mẹ những bông Hoa
Đẹp, ngát hương thơm tỏa trước tòa
Xin thương đón nhận lòng con thảo
Khiêm nhường phục vụ những ngày qua.

Mẹ hãy nhận cho tấm lòng thành
Hoa đời vườn Mẹ mãi tươi xanh
Cúi đầu xin Mẹ thương gìn giữ
Ban phúc cho Hoa được an lành.

Minh Trần