Sống đạo hôm nay: SỐNG NĂM PHỤNG VỤ
“Năm Phụng Vụ khai triển mầu nhiệm Vượt qua dưới nhiều khía cạnh, đặc biệt là chu
kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiệm Nhập thể (Truyền Tin, Giáng sinh, Hiển Linh) gợi lại những
biến cố khởi đầu ơn cứu độ và cho chúng ta hưởng nhờ hoa trái đầu mùa của mầu nhiệm Phục
sinh”. (GLHTCG 1171)
Năm phụng vụ là chu kỳ thời gian trong một năm về sự can thiệp của Thiên Chúa trong
lịch sử nhân loại, trong quá khứ cũng như hiện tại. Theo cái nhìn của lịch sử cứu độ, phụng vụ
không chỉ tưởng niệm các biến cố đã xảy ra, nhưng còn hiện tại hóa, làm cho các biến cố ấy đi
vào đời sống hôm nay một cách mầu nhiệm.
I. LỊCH PHỤNG VỤ
Lịch là một hệ thống đo thời gian cần thiết cho cuộc sống con người thành năm, tháng,
tuần, ngày… Âm lịch là lấy một vòng quay của mặt trăng chung quanh trái đất làm một năm,
còn Dương lịch lấy một vòng quay của trái đất chung quanh mặt trời làm một năm. Người
Rôma sử dụng Dương lịch từ thế kỷ VII trước Đức Giêsu Kitô, nhưng một năm chỉ có 304
ngày và một năm chỉ có 10 tháng, tháng đầu năm là tháng Ba và ngày đầu năm là mồng 1 tháng
3. Bằng chứng là tháng 9, 10,11,12 của chúng ta ngày nay theo La ngữ hay Pháp ngữ :
Septembre là tháng Chín (nhưng septem theo Latinh lại là số 7, nghĩa là tháng thứ bảy theo lịch
cũ của Rôma), Octobre là tháng Mười (octo : 8), Novembre là tháng 11 (novus : 9), Décembre
là tháng 12 (decem : 10).
Năm 46 trước Đức Giêsu Kitô (AC), Jules César đã cải cách lịch Rôma thành một năm
có 365 ngày với 12 tháng (thêm tháng 1 và tháng 2 vào đầu năm), ngày đầu năm là mồng 1
tháng Giêng và cứ 4 năm có một năm nhuận 366 ngày (năm nhuận là năm chia chẵn cho 4).
Nhiều quốc gia đã sử dụng lịch này nhưng ngày đầu năm (Tết) vẫn chưa mừng vào 01/01.
Sang thế kỷ XVI, các nhà thiên văn và làm lịch nhận thấy 1 năm trung bình có 365 ngày
và 6 giờ là có vòng quay chậm hơn vòng quay của trái đất chung quanh mặt trời là 11 phút và
12 giây. Như thế là cho đến năm 1582, so với lịch Jules César, bị chậm mất 10 ngày. Do đó
ngày 24/2/1582, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII ban hành sắc chỉ lấy ngày 04/10/1582 làm
ngày 15/10/1582; mỗi năm vẫn có 365 ngày, và cứ 4 năm lại có một năm nhuận nhưng những
năm cuối thế kỷ (1700, 1800, 1900…) được coi là những năm thường (365 ngày) trừ những
năm chia chẵn cho 400 (vd : năm 1600, 2000, 2400 vẫn là những năm nhuận).
Lịch cải cách của Đức Grêgôriô có lợi điểm là phải 4000 năm mới có sự sai biệt 1 ngày,
và đã được thế giới sử dụng. Năm 1918, nước Nga mới nhìn nhận lịch Grêgôriô, vì thế cuộc
cách mạng 1917 của Nga được gọi là Cách Mạng Tháng Mười theo cách gọi của lịch cũ, còn
chính xác thì cuộc cách mạng xảy ra vào ngày 07/11/1917 theo lịch Grêgôriô.
Về niên biểu, mỗi nước có một cách tính niên hiệu riêng, thường là dựa vào triều đại của
các vua. Đức Giêsu sinh vào thời mà dân tộc Do Thái đang sử dụng Âm lịch và đế quốc Rôma
đang sử dụng Dương lịch. Đất nước Do Thái đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, cho nên các tác
giả sách Phúc Âm xác định niên biểu theo niên hiệu của các hoàng đế Rôma (x. Lc 3,1) hoặc
tính từ năm thành lập thành Rôma. Vào thế kỷ VI, một tu sĩ tên là Điônixiô đã quy định thời đại
Kitô giáo, lấy năm Đức Giêsu sinh ra làm năm thứ nhất, tương ứng với năm 754 kể từ năm lập
quốc Rôma. Tu sĩ này đã dựa vào Lc 3,1 (Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô) để
xê dịch các niên hiệu Rôma thành niên hiệu Chúa Giêsu Kitô (trước Đức Giêsu viết là AC hoặc
sau Đức Giêsu là PC), nhưng cách tính của ông có sự sai sót vài năm. Thế nên, Đức Giêsu phải
sinh ra trước đó vài năm, khoảng năm 6 – 4 AC.
Hội Thánh Công Giáo có lịch riêng là lịch Phụng vụ, bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng
(khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12) cho tới tuần cuối cùng của mùa thường niên. Tuy
nhiên trong các sinh hoạt, Hội Thánh vẫn theo lịch dân sự đang thịnh hành ngày nay, và ghi
thêm vào đó các ngày lễ Công Giáo.
(còn tiếp)