Sống Sứ Điệp Của Mẹ Fatima

 

Do việc đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người ngày nay làm điều sai trái mà cứ tưởng mình làm đúng. Làm điều tội lỗi mà vẫn cho mình là sống thánh thiện. Thiên Chúa và Satan. Tà và thiện. Tội và phúc được định giá như nhau và đồng đều theo nhu cầu và sự cần thiết của mỗi người. Trong nền “văn hóa sự chết” này, hôn nhân và đồng tính là hai lối sống được quan niệm đều tốt như nhau, và con người có quyền chọn lựa theo nhu cầu và lối sống. Người ta có quyền mang hoặc hủy bỏ một mạng sống, dù đó là mạng sống của con mình nhân danh quyền tự do lựa chọn. Và người ta cũng có quyền cắt đứt sự sống của một người già cả, nhân danh sức khỏe, sự tốn kém trị liệu, và rất nhiều những lý do nhân đạo.

Những điều xấu xa ấy, trước những vấn nạn không thể giải quyết bằng khả năng con người ấy, Kitô hữu chúng ta phải làm gì? Bỏ cuộc? Hay ngồi nguyền rủa cuộc đời? Nguyền rủa bóng tối?

Rất may, sứ điệp Fatima vẫn là sứ điệp mà con người có thể dùng để giải quyết những vấn nạn của xã hội, và những khó khăn cuộc sống. Trong sứ điệp Fatima , 3 phương thế thực hành đã được Ðức Maria nhắc đến: Cải thiện đời sống. Tôn sùng Trái Tim Mẹ và Lần Hạt Mân Côi. Tuy nhiên, cả ba điều kiện trên đều không dễ thực hiện mặc dù xem ra như nhỏ mọn và tầm thường.

Trên thực tế, chẳng mấy ai nhận mình có lỗi và vì thế cũng chẳn mấy ai nghĩ mình cần phải sửa lỗi. Ðiều này dễ hiểu, vì một khi đã đánh mất niềm tin, đánh mất ý thức tội lỗi, thì làm gì còn thấy mình có lỗi để sửa lỗi. Ðiểm trùng hợp giữa hai nhận xét của Ðức Piô XII và Ðức Bênêđíctô XVI là vì đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người thời đại nhìn gì cũng chỉ thấy những giá trị tương đối.

Nhận ra cái tuyệt đối. Phân biệt giữa đen và trắng thì tương đối dễ hơn là phân biệt giữa trắng nhiều và trắng ít, giữa đen nhiều và đen ít. Giữa một cái áo trắng nếu có vết bẩn nào dính vào, nó hiện ra rõ ràng, nhưng trên một mảnh vải đen thì một vài vết bẩn không còn là điều khiến cho ta quan tâm nữa. Cái nguy hiểm của quan niệm và lối sống này làm cho con người không cảm thấy nhu cầu cần phải sửa sai hay thăng tiến. Ảnh hưởng của nó đã biến thành một độc dược tỏa lan trong không khí sinh hoạt để biến nền văn hóa sự sống thành “nền văn hóa sự chết”.

Do đó, để nhận ra điều cần phải sửa đổi cần thiết con người phải tìm gặp và tiếp cận với Ðấng thiêng liêng, cao cả. Và sự tiếp cận ấy là lời cầu nguyện. Mẹ Maria đã giới thiệu phương thế cầu nguyện rất đơn sơ bằng chuỗi Mân Côi. Mẹ cũng lôi kéo tâm hồn con người về với tình thương Thiên Chúa qua hình ảnh trái tim của một hiền mẫu.

Ðể phục hồi nền văn hóa sự sống, để cứu vãn nhân loại và thế giới khỏi đi sâu vào con đường diệt vong, con đường tự hủy diệt, cần phải có một phép lạ. Nhưng phép lạ ấy sẽ không thể nào sẩy ra nếu không có sự can thiệp của Mẹ. “Người bảo gì hãy làm như vậy” (Gio 2:5), đó là lời của Ðức Trinh Nữ Maria đã nói với các gia nhân trong bữa tiệc cưới tại Canna, và vì làm như lời Mẹ dậy bảo, nên phép lạ nước lã hóa rượu đã được thực hiện.                                         (còn tiếp)