(Tiếp theo)
Chúng ta cần ra khỏi tình cảm bi lụy của mình, ra khỏi tâm trạng buồn thương do tác động của hoàn cảnh bên ngoài, phải vượt trên cái thấy cách vật chất để thấy trong đức tin nhờ cái nhìn trầm tĩnh và sâu lắng hơn trước những gì xảy ra. Sự hiện diện của Chúa Giêsu PS luôn bao trùm mọi ngõ ngách của cuộc đời chúng ta, đừng đòi buộc Ngài phải hiện diện trở lại theo phương cách cũ của một thân xác hay chết, đừng bắt buộc Ngài phải hành động theo một khuôn khổ cố định và hạn hẹp theo lối nhìn của chúng ta. Cần phải mở lòng để đón nhận ơn cao cả này : “Phúc thay những người không thấy mà tin”(Ga 20, 24-29) : tin vào sự hiện diện và cách hành động rất mới mẻ và rất tuyệt vời trong mọi biến cố của cuộc đời chúng ta. Đức tin đó đem lại bình an và hạnh phúc biết bao.
Hành vi đức tin chính là việc Thần Khí hoạt động trong tâm hồn một con người để làm cho kẻ ấy vừa nhận ra một thực tại chất chứa mạc khải vừa nhận ra ý nghĩa của Lời quy hướng về thực tại đó. Nguồn gốc của mạc khải duy nhất lưỡng diện này (thực tại và Lời) là Thánh Thần. Chính Ngài cho tín hữu niềm xác tín rằng mình có lý để tin. Đức tin khởi đi từ các sự kiện lịch sử mà nhiều nhân chứng đã “thấy”, nhưng sự chắc chắn dứt khoát của chúng ta rốt cuộc chỉ dựa vào chứng từ của Thần Khí trong chính tâm hồn mình mà thôi. Như vậy, đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dựa trên hoạt động của Chúa Thánh Thần trước dấu chỉ hữu hình để đạt tới một thực tại vô hình.
Con tim và lý trí.
Dĩ nhiên, trong đời sống đức tin, ngoài việc hoạt động nền tảng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người, thì trước tiên là con tim chứ không phải lý trí. Chính vì thế mà ta thấy Gioan luôn được đặt trổi vượt hơn Phêrô về lòng mến, trong bửa tiệc ly (Ga 13, 24), trong nhà thượng tế (Ga 18, 12-16), và rồi ông bỏ xa Phêrô trong khi chạy tới mồ (Ga 20, 3-4). Điều đó cho thấy rằng, dù trách nhiệm của mỗi người ra sao chăng nữa, thì tình yêu vẫn là cái dẫn tới niềm tin vào Chúa Giêsu hằng sống. Sau này chính Chúa Giêsu Phục sinh cũng đã mời gọi lòng yêu mến của Phêrô đến 3 lần trước khi giao quyền tối thượng cho ông trên đoàn chiên (Ga 21, 15-17). Chính tình yêu là động lực giúp khám phá hoặc đi mau hơn và xa hơn trong mọi diễn biến của cuộc sống. Chính tình yêu làm cho ta thực sự biết được chiều sâu của các biến cố.