100. PHÊRÔ TRƯƠNG VĂN THI (1763 – 1839)
Phêrô Trương Văn Thi, Sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII đã suy tôn cha Phêrô Trương Văn Thi lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06- 1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.
Vào chủng viện, và ngày 22.3.1806, thày lãnh chức linh mục khi đã 43 tuổi. Trong 27 năm liền, cha Thi coi sóc xứ Sông Chảy thuộc phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Năm 1833, ngài được bổ nhiệm chính xứ Kẻ Sông, và ở đó cho đến khi tử đạo năm 1839. Theo lới chứng của các tín hữu tại đây, cha Thi là một linh mục : “Rất nhân đức, mỗi ngày đọc kinh cầu nguyện lâu giờ ba bốn lần, cử hành thánh lễ trang nghiêm, ăn uống đạm bạc, thường ăn chay các thứ sáu, mặc dù sức khỏe của ngài yếu kém với chứng đau bụng thường xuyên”.
Chiếu chỉ cấm đạo tòan quốc của vua Minh Mạng, cha Thi luôn hoạt động âm thầm. Được một thời gian khá lâu, bất ngờ vào ngày 10.10.1839, khi cha Dũng lạc ở làng kế cận tìm đến xưng tội, viên lý trưởng tên Pháp hay tin, đưa người đến bắt cả hai linh mục. Lý Pháp mặc cả giá tiền chuộc với các tín hữu, và ngã giá là 200 quan. Khi các tín hữu mới gom góp được một nửa số tiền, ông chỉ tha một mình cha Dũng Lạc. Ai ngờ trên đường về, cha Dũng lạc lại bị một tốp lính khác bắt được. Thế là Lý Pháp không dám cho chuộc cha Thi nữa, và cho áp giải ngài về Bình Lục. Giữa đường, ông gặp đám lính đang áp giải cha Dũng Lạc, liền nộp cha Thi cho quan huyện. Từ đó, hai vị chung một số phận tù ngục và cùng chung hưởng phúc vinh quang.
Trong khi chờ đợi vua phê án, cha Thi biết trước số phận của mình, và chuẩn bị đón nhận phúc tử đạo của mình. Cha gia tăng việu cầu nguyện và hãm mình. Cha ăn chay các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Bệnh tật gông cùm (dù cha chỉ phải mang gông nhẹ) và chay tịnh làm sức khỏe của cha càng sa sút. Thừa sai Jeantet Khiêm viết thư vào đề nghị cha giảm bớt khổ chế đi, nhưng cha vẫn không thay đổi.
Ngày 21.12.1839, lần thứ hai cha Trân đưa Mình Thánh vào, cha Thi đã liệt giường, phải nhờ cha Dũng Lạc ra nhận và trao Thánh Thể. Không ngờ chính hôm đó lại là ngày cuối cùng cuộc đời dương thế của các ngài, bản án vua châu phê đã vào tới. Quân lính dẫn hai cha ra pháp trường. Trên đường, cha Thi không còn sức đi nữa, nên một người lính đã đóng vai "Simon", cõng cha đến nơi thụ án.
Quãng đường cuối cùng của cha Thi: Đôi giầy, kỷ vật tặng cho người lính, hình ảnh một “Simon Xirênê”; Việt Nam cõng tử tội ra pháp trường… Làm sao diễn tả hết ý nghĩa của những điều đó. Phải chăng hình ảnh đó có thể khái quát được tangthương của Giáo Hội Việt Nam thời khai nguyên? Phải chăng điều đó đủ xoa dịu những đố kỵ còn sót lại cho đến ngày hôm nay? Và phải chăng hình ảnh đó cho phép ước mơ một xã hội, tương lai sáng lạn hơn, khi mọi người dân vượt qua mọi trở ngại để đối xử với nhau bằng trái tim yêu thương?
Giáo hữu thấm máu vị tử đạo, thâu lượm các di vật, rồi đưa thi hài các ngài về Kẻ
Sở dâng lễ và an táng cách trọng thể.