Sở dĩ người Công Giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác trên thế giới có thêm tên thánh mà người Tây Phương không có, là vì các giáo sĩ Tây Phương đến Việt Nam cũng như các nơi khác truyền đạo, đã áp dụng tinh thần giáo luật cũ, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở Tây Phương. Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công Giáo Tây Phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng như kiểu tên người Công Giáo Việt Nam. Nếu đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có hẳn một tên thánh là Gioan Baotixita, thì đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph là tên riêng vừa là tên thánh. Một ví dụ điển hình khác là thánh Gemma. Vì bố mẹ Ngài già rồi mới sinh con nên quý hóa đặt tên ngài là Gemma, có nghiã là ngọc. Trước đó, không có vị thánh nào tên Gemma cả. Tại San Jose, California vị linh mục chính xứ của tôi là Kevin Joyce. Kevin là tên riêng, là biến thể của tên Kelvin. Kelvin là tên con sông ở Tô Cách Lan. Joyce là tên họ. Linh mục Kevin Joyce không có tên thánh. Do đó người Công Giáo Tây Phương không có tục lệ mừng lễ thánh quan thầy.
Vậy quyết định của các giáo sĩ thừa sai đặt tên thánh cho người Công Giáo Việt Nam là đúng hay sai? Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đó là điều không chấp nhận được vì tên người Việt Nam hiện nay không hề được đặt ra để hạ phẩm giá con người như kiểu người Hy Lạp, La Mã ngày xưa, mà được lựa chọn từ những từ ngữ có ý nghiã tốt đẹp nhất để đặt tên cho con cái. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam trong thế kỷ 16 thì quyết định của các thừa sai có thể tạm chấp nhận vì phong tục dân gian lúc đó còn dùng những tên có nghiã xấu, gọi là tên tục, để đặt cho những đứa trẻ mới sinh ngõ hầu tránh tà ma. Ví dụ các tên như Bùn, Sẹo, Chó v.v…
Mặc dù giáo luật hiện nay không bắt buộc tín hữu phải có tên thánh, nhưng việc đặt tên thánh có mục đích rất đáng trân trọng vì 2 lý do: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong bộ giáo luật năm 1983, khoản 1186:
Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài .
Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Ngoài ra, vì sự hiểu biết của giáo dân còn hạn chế về các thánh nên người ta thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam có cả trăm vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, giáo dân Việt vẫn chưa quen nhận các thánh Việt Nam làm tên bổn mạng.