Phần đông Ki-tô hữu chúng ta thường dựa trên một số tiêu chuẩn như hiền lành, nết na, siêng đi lễ, năng đọc kinh, sốt sắng lãnh nhận các bí tích, nhiệt thành tham gia các việc tông đồ giáo dân trong giáo xứ vv. để đánh giá một tín hữu là đạo đức, thánh thiện và giữ đạo tử tế. Thực ra, đó là bề nổi của đời sống đạo. Cái bề nổi này đôi khi lại làm cớ cho ta tự mãn nghĩ mình là người đạo đức thánh thiện, nghĩ mình giữ đạo như thế là đẹp lòng Chúa và rỗi linh hồn… Việc giữ đạo một cách hình thức sẽ dễ dàng chuyển sang một cách sống đạo hời hợt bên ngoài. Và như vậy chúng ta lại đi theo lối mòn đạo Cựu Ước như người Do thái thay vì thực hành đạo Tân Ước của Chúa Giê-su.
Một tác giả đã chia sẻ như sau: “Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. Có những người sống đạo lấy lệ, đôi khi còn khoe là đạo gốc ba bốn đời nhưng không thực hành đạo. Có những tín hữu, nhìn xem hình thức bề ngoài rất tốt, họ tham gia mọi sinh hoạt cộng đoàn nhưng thiếu lòng bác ái yêu thương. Như thế để trở thành một người Kitô hữu tốt, phải là người có tâm đạo và sống thực với niềm tin của mình. Niềm tin đối với Thiên Chúa và với tha nhân” (LM Giuse Trần Việt Hùng)
Chúng ta vẫn thường nghe nói “Tin đạo chứ không tin người có đạo!”. Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là nhiều người trong chúng ta không đủ phẩm chất cần thiết để làm chứng về tư cách Ki-tô hữu của mình. Chúng ta chưa là chứng nhân đích thực của Tin Mừng Ki-tô giáo và không nêu gương sáng về con người và đời sống Ki-tô hữu chính danh của mình. Chúng ta có đạo, giữ đạo nhưng chưa sống đạo. Chính Chúa Giê-su khi đi rao giảng Tin Mừng đã nhắc nhở các môn đệ, “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ”.
Thực vậy, thay vì chúng ta làm gương sáng, chúng ta lại trở thành gương mù gương xấu. Thay vì chúng ta sống đạo, hành đạo thì chúng ta chỉ dừng lại ở có đạo, giữ đạo theo thói quen và theo ý riêng mình. Chính vì vậy mà khi nhìn vào chúng ta, người ta không do dự mà nói rằng, “Đạo nào cũng như đạo nào!”… Vậy đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và tự hỏi: “Sống đạo theo Tin Mừng Chúa Ki-tô là thế nào?”