SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (29/09) – Luca 16: 19-31.

SUY NIỆM LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (29/09) – Luca 16: 19-31.

Qua bài Tin Mừng, chúng ta được nghe câu chuyện về hai con người có cuộc sống, tại trần gian và cuộc sống tương lai đời sau hoàn toàn trái ngược nhau. Anh nhà giàu có đủ mọi thứ mà bất cứ ai trên trái đất này cũng đều mong muốn và anh ta đã đặt trọn cuộc sống của anh vào sự giàu có này, đến mức anh ta loại trừ tất cả những suy nghĩ về Thiên Chúa kể cả cuộc sống đời sau. Điều đáng chú ý ở đây là không phải anh ta không biết gì về Thiên Chúa hay về một cuộc sống tương lai (Chúa Giêsu đang kể câu chuyện ngụ ngôn này cho người Pha-ri-siêu, những người tin có đời sau), hơn nữa anh nhà giàu thừa nhận rằng có Mosê và các tiên tri, nhưng anh ta không quan tâm đến họ. Anh suốt ngày bận rộn để cố gắng làm sao hưởng cho bằng hết những thú vui của cuộc sống trần gian này.

Trong khi ở mặt bên kia của bức tranh, chúng ta thấy có một người ăn xin tội nghiệp, ông không chỉ lâm vào cảnh khốn khổ đói rách bần cùng, mà còn phải chịu đựng những nỗi đau đớn về thể xác với đầy mụn nhọt, ghẻ chốc. Anh ấy lê lết, mỗi ngày trước cổng ông nhà giàu để cầu xin chút canh cặn, cơm thừa. Anh cảm thấy hài lòng và lấy làm đủ nếu có được những mẩu bánh vụn rơi ra từ bàn của người nhà giàu, điều mà có lẽ anh ta không phải lúc nào cũng nhận được. Anh ta hẳn đã thất vọng vì người đàn ông giàu có không bao giờ nghĩ đến việc liếc nhìn anh và giúp đỡ anh. Ông nhà giàu đã thực sự đã bỏ quên cơ hội làm gì đó cho Chúa.

Cả hai người giàu có và khốn cùng rồi cũng chết. Người ăn xin nghèo khổ đi thẳng lên thiên đàng để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Những đau khổ về thể xác của anh nay đã chấm dứt mãi mãi, anh không bao giờ phải ước ao bất cứ điều gì nữa vì đã có Chúa làm gia nghiệp. Còn người giàu có, tất nhiên phải trả cái giá rất đắt đỏ là đi vào chốn trầm luân. Những niềm vui tạm bợ trấn thế của anh nay đã qua đi vĩnh viễn. Bây giờ anh ta đang phải ở trong nơi đau khổ và anh ta được cho biết rằng anh ta không còn cơ hội được cứu ra. Sự chết, không phải là hồi kết thúc. Tổ Phụ Áp-ra-ham nói với anh nhà giàu lý do tại sao anh ta ở trong tình trạng như thế: bởi vì anh ta đã lạm dụng thời gian khi còn sống tại trần thế. Anh ta nhận ra sự thật này đắng cay này, nhưng đã là quá muộn. Anh ta biết rằng; anh ta không thể đổ lỗi cho ai, nhưng hơn thế, bản thân anh ta giờ đây phải chịu thêm rất nhiều dằn vặt nữa tang thêm phần đau khổ, vì anh biết rằng, gương xấu của anh chắc chắn sẽ còn dẫn nhiều anh em (đồng nghiệp của anh) cùng chung một số phận như thế.

Anh nhà giàu phải ở trong nơi đau khổ hỏa ngục muôn kiếp vì anh đã để cho sự giàu có của mình trở thành chủ nhân của mình và quên đi Thiên Chúa là cùng đích và người những anh chị em thân cận cũng như hạnh phúc chân thật là cuộc sống vĩnh cửu.

Có nhiều những người như anh nhà giàu trong thế giới của chúng ta hôm nay, những người hoàn toàn phớt lờ cuộc sống tương lai thực sự của họ. Mặc dù họ biết rằng cuộc sống trên thế gian này là tạm bợ, ngắn ngủi và họ sẽ phải rời bỏ nó rất sớm, họ vẫn xây dựng lâu đài trần thế để rồi hành động và sống như thể không có đời sau.

Điều này không chỉ đúng với những kẻ, giả điếc làm ngơ với tiếng mời gọi của Tin Mừng, mà còn đúng với những người mỗi ngày công khai tuyên xưng đức tin ; “ tôi tin xác sống lại, tôi tin vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau…”. Tuy nhiên, họ quá bận tâm đến sự giàu có mà họ đang thụ hưởng và cuộc sống với nhiều vui thú ở đời này, hoặc dành hết thời gian để tiếp tục thu lợi từ những gì họ đang có, để đến nỗi họ không còn thời gian để tái chọn lựa cái gì là quan trọng cần ưu tiên nhất. Cuộc sống không kết thúc ở cái chết, nhưng nó chỉ bắt đầu khi người ta ngắm mắt lìa đời.

Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai trong chúng ta lọt vào sổ những người ngu ngốc, vì không có gì trên thế gian này điên rồ hơn là bỏ điều chân thực và duy nhất quan trọng để đổi lấy những thứ hấp dẫn tầm thường nơi thế gian.

Tất nhiên của cải thì cần cho cuộc sống, nhưng hãy chọn và sử dụng những thứ thật cần và gữ vừa đủ cho chúng ta. Chúng ta nên biết rằng của cải vật chất, chỉ là phương tiện, chúng không phải cứu cánh. Vì thế, chúng ta không nên để chúng trở thành ông chủ của đời mình.

Mỗi ngày, Chúa vẫn gởi đến cho chúng ta những Lazaro nghèo khổ trước cổng nhà của chúng ta để cho ta có cơ hội chia sẻ trong mối tình huynh đệ. Hãy trở thành người anh em với họ ngay khi còn ở đời này, để ngày sau không phải ghen tị với họ  trên thiên đàng. Amen

Lm. Giuse Trần Ngọc Tân sss