SUY NIỆM LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (27/10) 

SUY NIỆM LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (27/10) 

Tin Mừng theo Thánh Luca 18: 9-14.

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài đã đi khắp các làng mạc trong đất Palestine, gặp biết bao nhiêu tầng lớp – người tội lỗi. Chúng ta không tìm thấy một đoạn ghi chép nào về một từ khó nghe của Chúa Giêsu đối với họ. Những gì Ngài nói, những việc Ngài làm đối với họ chỉ có là yêu thương và tha thứ! Chính vì thế, Ngài bị coi là người có cuộc sống dễ dãi với quân tội lỗi và phường thu thuế. Câu trả lời của Chúa là: “Những người bệnh mới cần bác sĩ, còn những người khỏe thì không”!

Tuy nhiên, chỉ có một nhóm mà Ngài kịch liệt lên án và Ngài đã báo trước mọi hành động của họ sẽ có một cái kết không lành. Đó là nhóm Pharisieu, luật sĩ. Trong Tin Mừng của Thánh Mathêu, toàn bộ chương 23, tác giả đành để liệt kêu việc Chúa Giêsu đã lên án họ, trong đó bao gồm tám điều “không thánh thiện- (Woes)”, Ngài thốt ra để chống lại họ. Ngài dùng nhiều tên khó nghe để gọi họ: “”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”. (Mt 23, 27). Những chỉ trích khắc nghiệt như thế đến từ một Thiên Chúa hiền lành, có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nhưng, Ngài muốn cảnh báo cho chúng ta biết rằng; căn nguyên gốc rễ của mọi tội lỗi khác trên trần gian, đều hệ tại ở nơi những tấm lòng kiêu căng tự mãn, những người không bao giờ biết tìm đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa để được tha thứ. Chúa Giêsu đã không nói gì ngoài sự thật liên quan đến họ hoặc với họ.

Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói cho những người Pharisieu một lần nữa rằng; đâu là nơi chính sự kiêu căng của họ sẽ dẫn họ đến. Họ sẽ bị loại ra khỏi vương quốc của Thiên Chúa, vì họ đã không nhận ra hay ăn năn hối cải về sự kiêu căng và thiếu bác ái của họ. Thay vì tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ, quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho họ, trái lại, họ đòi hỏi Thiên Chúa cám ơn mình vì đã là người sống ngoan đạo. Họ đã có đời sống đạo đức. Họ đã tránh những bất công nghiêm trọng trong cuộc sống. Họ không ngoại tình. Họ ăn chay thường xuyên. Họ đã đóng góp tất cả các khoản phí, bổn phận cho đền thờ, nhưng tất cả đã được thực hiện, không phải vì danh dự và vinh quang của Thiên Chúa, mà vì danh dự và vinh quang của riêng bản thân họ. Họ cao rao với mọi người, khắp thế giới biết về điều họ làm. Họ đòi hỏi được dành ưu tiên ở những nơi trong hội đường, và yêu cầu được tôn kính đặc biệt trên các nẻo phố. Họ bắt người khác phải gọi họ là “bậc thầy” khi họ tuyên bố mình là người đại diện và giải thích luật Moses cho dân.

Một điều mà chúng ta có thể học được từ câu chuyện buồn về những người Pha-ri-si hôm nay là, trong khi Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và thứ tha chấp nhận tha thứ cho tất cả mọi người tội lỗi, ngoại trừ những kẻ kiêu ngạo. Chúng ta biết chắc rằng không phải là Thiên Chúa không thể hoặc sẽ không tha thứ cho kẻ tội lỗi kiêu ngạo mà là người kiêu căng tự mãn không bao giờ cầu xin ơn sự tha thứ của Chúa.

Qua Tin Mừng hôm nay, Người Ki tô hữu được mời gọi phải hết sức cảnh giác với những sự gian dối, lòng kiêu căng, nó ngấm ngầm, nhưng có sức tàn phá khủng khiếp từ trong nội tâm mỗi người chúng ta một khi nó đã bén rễ sâu trong lòng. Nó khủng khiếp vì phá hoại chính mối dây liên kết giữa ta với Chúa, giữa ta với những anh chị em chung quanh, nhưng chúng ta không thể ngờ, bởi vì nó nhân danh chính những điều hay, việc tốt chúng ta đang làm nhưng lại phá hỏng những đức tín và hiệu quả của việc tốt ấy. Từ thiện, hoặc tình yêu của chúng ta, không thể nảy nở, đươm bông, kết trái trong một trái tim kiêu căng, vì một tấm lòng kiêu hãnh đầy cái tôi đến nỗi nó không còn chỗ cho người khác. Không một tình yêu đích thực nào của Thiên Chúa có thể tồn tại trong một trái tim kiêu căng như thế, ngay cả chính những hành vi tôn giáo mà được thực hiện bởi một người kiêu căng. Một việc dầu tốt lành đến đâu, nhưng được thực hiện với động lực vì vinh quang bản thân chứ không phải vì vinh quang của Thiên Chúa thì cũng chỉ là con đường dẫn đến hố sâu vực thẳm. Người Pha-ri-siêu trong dụ ngôn này đã chứng minh thực tế đó. Ông đã quá kiêu ngạo về công việc tốt của mình, cho nên ông ra khỏi đền thờ với tâm hồn tội lỗi tệ hại hơn.

Chúa đã nói: Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Mt 9, 13. Amen.

Lm Giuse Trần Ngọc Tân,sss

St Vincent Liem, Flemington, AUS