CHIA SẺ LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
CHÚA PHỤC SINH LÀ ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Anh chị em thân mến!
Tin Mừng mà Phụng vụ trình bày cho chúng ta trong Chúa Nhật Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm nay, là một trong những Tin Mừng được biết đến nhiều nhất, được thảo luận nhiều và dành một cử chỉ trân trọng đặc biệt về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục sinh với ông Tôma – vị Tông đồ được mệnh danh là cứng lòng tin. Các Thánh Giáo Phụ đã cho chúng ta nhiều hiểu biết sâu sắc về bản văn Tin Mừng này. Cũng vậy, Bản Văn đã trở thành nguồn cảm hứng cho không ít văn, nghệ, sĩ những người đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật thánh, làm sáng tỏ sứ điệp của Tin Mừng, nhờ vậy giúp chúng ta lại càng hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra trong thời gian, “tám ngày sau” lần hiện ra đầu tiên của Đức Ki tô Phục sinh, khi các môn đệ họp nhau trong phòng đóng kín cửa.
Đức Giêsu Phục Sinh đã trả lời Ông Tôma, sau khi ông nhận ra Ngài và nói rằng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”, bởi thế có một cám dỗ thầm kín không chỉ liên quan nhiều đến các môn đệ của Chúa Giêsu, mà còn rất nhiều người khác, những người “đã nhìn thấy” đó là chúng ta, các Ki tô hữu cũng được liệt vào trong nhóm những người mà Chúa Giêsu phải nói: “Bởi ngươi đã nhìn thấy, nên ngươi mới tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”. (Ga 20,29)
Điều đáng chú ý ở đây trong Tin Mừng hôm nay là những đòi hỏi của Đức Giêsu Phục Sinh đối với Tôma và cả chúng ta nữa, nhưng xem ra nghịch lý với lời mời gọi của Đức Giêsu trong một đoạn Tin Mừng khác của chính Gioan, những gì được gọi là phương pháp Kitô giáo, “hãy đến mà xem” (Ga 1, 39). Làm sao chúng ta có thể hài hòa hai cụm từ này của Chúa Giêsu (“hãy đến mà xem – Phúc cho ai không thấy mà tin”), để có thể tạo thành bối cảnh chung cho toàn bộ Tin Mừng Thứ Tư (TM Gioan)? Có lẽ, cuối cùng, Thiên Chúa quyết định thay đổi phương pháp của Ngài chăng? Vậy những từ: “phúc cho ai không thấy mà tin” thực sự có nghĩa là gì?
Thật là một mốc thời gian hợp lý “tám ngày sau”, đó là ngày Chúa Nhật sau Phục sinh, cho phép chúng ta kết nối suy tư của mình với một trong những bài thánh vịnh về Thánh Thể quan trọng nhất của Thánh Tôma Aquinô: “Chiêm ngưỡng, đụng chạm, nếm thử tất cả đều bị giác quan của bạn lừa gạt. Nhưng khi nghe một cách chắc chắn đầy đủ thì bạn sẽ tin”. Kết hợp những lời này với Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể khẳng định một cách công bằng rằng kinh nghiệm khi được “nhìn thấy” không bị từ chối đối với chúng ta, nhưng nó trái ngược với kinh nghiệm vật lý của Thánh Tôma Tông đồ, người đã có thể đặt ngón tay của mình vào các lỗ đinh trên tay của Chúa Kitô và nơi cạnh sườn của Đức Giêsu Phục Sinh, trong khi chúng ta chỉ có thể cảm nhận về điều đó trong đức tin được bảo vệ và thông truyền bởi Giáo hội, là Mẹ và là thầy dạy của chúng ta.
Do đó, điều mà chúng ta chưa từng thấy, đó là Thân thể vinh quang của Đấng Phục sinh. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có khả năng lắng nghe Lời của Chúa và Giáo Huấn của Giáo hội và nhờ vậy chúng ta có thể nhìn thấy Thân Mình thật của Chúa Kitô nơi Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể thấy Nhiệm Thể của Ngài là Giáo Hội. Chúng ta có thể nhìn thấy Ngài trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của nhiều anh em của chúng ta, sau khi gặp Chúa một cách tỏ tường và nhiệm mầu, kết hợp cách mật thiết nhất với Ngài trong Thần Khí Phục Sinh của Ngài!
Như Thánh Toma, Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi chúng ta thọc ngón tay vào các lỗ đinh và cạnh sường của Ngài, di tích của các công cụ của cuộc khổ nạn đau thương nơi thân mình Ngài có sự cộng tác của những bàn tay của mỗi chúng ta, nhờ đó cuộc sống và lời chứng của chúng ta trở nên lời công bố Tin Mừng Phục Sinh của Ngài. Các giác quan của chúng ta đã có thể phản bội, đánh lừa chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đã gặp Đấng Phục sinh và chúng ta đã nhận ra Ngài trong kinh nghiệm của các Thánh Tông đồ và của Giáo Hội!
Hy vọng rằng, với kinh nghiệm của Tông đồ Phêrô, người đã phản bội Thầy ba lần vì sợ chết, đã loan báo với chúng ta bằng những lời chân thực tận đáy lòng Ngài: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1 Peter 1: 8), trở nên một cảm nhận trọn vẹn bởi vì: “phúc cho ai không thấy mà tin” Chúa đã phục sinh, và khi cảm nhận được niềm vui tràn đầy trong tâm hồn, các môn đệ của Ngài “đã tin” vào Ngài! Alleluia.
Lm Giuse Trần Ngọc Tân,sss
St Vincent Liem, Flemington, Aus