Sống Đạo hôm nay: TÌNH LIÊN ĐỚI TRONG ĐẠI DỊCH ĐẾN TỪ NHÀ TÙ

Sống Đạo hôm nay

‘’Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa bằng sức mạnh của đôi tay và mồ hôi của vầng trán’’ (Thánh Vinh Sơn Liêm)

TÌNH LIÊN ĐỚI TRONG ĐẠI DỊCH ĐẾN TỪ NHÀ TÙ

Tại Ý, trong thời điểm đại dịch, có rất nhiều câu chuyện hay và đẹp nói về tình liên đới. Một số trong những câu chuyện này đến từ các nhà tù và chúng làm cho tâm hồn mọi người được bình yên.

Ngọc Yến – Vatican News

Những biểu ngữ khích lệ

Tại nhà tù ở Armerina, các tù nhân thực hiện một biểu ngữ: “Chúng tôi ở bên trong, xin các bạn hãy ở nhà”. Những lời này biến tình trạng cô đơn của nhà tù thành một trải nghiệm giúp mọi người hiểu rõ hơn về nỗi đau của một đất nước, vì để bảo vệ chính mình và người khác phải từ bỏ nhịp sống thường ngày, ở lại trong nhà .

“Cùng nhau chúng ta sẽ làm điều đó”, là thông điệp của các tù nhân tại nhà tù Ragusa. Đây là một lời mời tin tưởng và hy vọng cho những người hiểu rõ những đau khổ của việc cách ly. “Những người đã sống lưu vong luôn mang trong mình cảm giác bị lưu đày”, nhà thơ vĩ đại người Tây Ban Nha Pedro Salinas đã viết như vậy và không có cuộc lưu đày nào đau đớn hơn nhà tù. Đã đau khổ vì phải sống cách ly xã hội, các tù nhân còn phải chịu đựng thêm nỗi đau khác: do đại dịch các buổi thăm trực tiếp của gia đình và người thân bị đình chỉ.

Trong hoàn cảnh này, một số tù nhân không khép mình lại nhưng chọn đến giúp đỡ những người gặp khó khăn. Trong nhiều trung tâm cải tạo của Ý, các hình thức liên đới đã được kích hoạt một cách tự phát và rất nhiều người tham gia. Thậm chí hoạt động gây quỹ cũng đã được thực hiện, dù số tiền ít ỏi nhưng thể hiện tình liên đới rất cao.

Quên nỗi đau của mình để phục vụ người khác

Ở nhà tù Cosenza các tù nhân đã làm nhiều hơn thế nữa. Mọi thứ bắt đầu từ chính quyền thành phố Rende: để đối phó với tình trạng nghèo lương thực do đại dịch, chính quyền quyết định cung cấp các bữa ăn nóng cho những người nghèo và cho người vô gia cư. Sau nhiều ngày, sáng kiến ​​này phát triển và trở thành một hoạt động đặc biệt mang tên CuciniAmo và Marcello Manna. Sáng kiến đã tới nhà tù và với sự điều động của ban lãnh đạo, các tù nhân đã tình nguyện tham gia.

Theo một số người, hoạt động liên đới này không dễ được duy trì nếu không nhờ vào quyết tâm của những người có niềm tin vào ý nghĩa sâu sắc của sáng kiến. Thật vậy, tình liên đới được thể hiện nhờ một chính quyền đạo đức, các đại diện của các tổ chức sống dấn thân hàng ngày với tràn đầy ơn gọi, các tình nguyện viên với tâm hồn quảng đại, và cuối cùng là các học viên đang được cải tạo đã đáp ứng cơ hội này với sự nhiệt tình. Những người đang thụ án tù cảm thấy đây là một cơ hội làm cho thời gian cải tạo có ý nghĩa.

Như thế, mỗi sáng vào lúc 8 giờ, từ thứ Hai đến thứ Bảy, chính quyền cung cấp nguyên liệu và các nhà bếp mở cửa và các tù nhân bắt đầu nấu ăn. Mọi thứ phải sẵn sàng trước 12 giờ khi các tình nguyện viên đến để nhận các bữa ăn và sau đó phân phát cho người nghèo.

Đảo ngược quy luật liên đới

Nhận định về hoạt động này của các tù nhân, bà Francesca Romana de’ Angelis, bình luận viên của Báo Quan sát viên Roma nói: “Trong sự dấn thân quảng đại này, nơi các tù nhân, chúng ta không chỉ nhận ra cần phải có động lực của trái tim, có nhiều điều hơn nữa. Chính cử chỉ của họ đã đảo ngược quy luật liên đới thông thường: từ người có đến người không có. Trong trường hợp này, hai nỗi đau gặp nhau: người phạm tội bị kết án tù giam và những người gặp khó khăn, thậm chí không thể nuôi sống bản thân và gia đình”.

“Cử chỉ của họ vượt ra ngoài việc bị thiếu điều gì đó để trao cho người khác. Trong những khay phục vụ có mùi thơm của thức ăn và cả công việc, nỗ lực, trí tưởng tượng nhưng trên hết là cảm xúc khi được giúp đỡ người khác”.

Gandhi nói: “Không ai là người vô dụng nếu họ làm nhẹ gánh nặng cho người khác”. Chuẩn bị các bữa ăn nóng là chăm sóc, mang lại sự dịu dàng cho người khác, là ôm lấy nỗi đau của người khác và quên đi nỗi đau của chính mình, là lập lại kế hoạch theo một chiều kích hỗ tương. Nghĩ đến người khác và được người khác nhớ đến là tái khám phá cảm giác về một sự hiện hữu hữu ích.

Nếu có thể nâng người khác đứng lên, cuộc đời không vô ích

Emily Dickinson đã viết: “Nếu tôi có thể giảm hoặc chữa lành được nỗi đau của một cuộc đời hoặc nâng một người quỵ ngã đứng lên, giúp họ trở về tổ ấm, tôi sẽ không sống vô ích”. Xin cám ơn các tù nhân vì sự chọn lựa tình nhân loại này, đó là một bài học cho cuộc đời, có thể nói với mọi người, ngoài và bên trong thế giới. Xin cám ơn các bạn vì đã không để mất cảm giác gần gũi và chia sẻ khi phải ở trong nhà tù. Nỗi đau thường làm cho người ta bị cô đơn, cảm giác bị loại trừ, chai cứng; cần rất nhiều sức mạnh và hy vọng để giữ cho con tim vẫn sống và gần gũi với đau khổ của người khác. Xin cám ơn vì cử chỉ, một cử chỉ không chỉ là hành động cho một nhu cầu nhưng đã đánh sập bức tường và mở toanh cửa sổ. Xin cám ơn các bạn vì đã nhắc nhở chúng tôi rằng khi tất cả dường như mất tất cả, luôn có một dòng nước đang chảy ở đâu đó, một đám mây đang bay theo gió, một ngôi sao tô màu bạc cho bầu trời, một lời nói làm ấm tâm hồn. Xin cám ơn các bạn tù của Cosenza, vì đã đứng về phía tốt.