Sống đạo hôm nay: CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C – KHIÊM HẠ VÀ BÁC ÁI

Sống đạo hôm nay: CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM C – KHIÊM HẠ VÀ BÁC ÁI

TIN MỪNG (Lc 14:1,7-14)

Khung cảnh của câu chuyện hôm nay là Chúa Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa, và nhóm Pharisêu cố dò xét Ngài. Trong khung cảnh bữa tiệc ấy, Chúa Giêsu dạy hai bài học:

  1. Bài học về việc chọn chỗ ngồi: chỗ ngồi tượng trưng cho địa vị.
  • Không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của mình.
  • Địa vị ấy, hãy để cho người khác sắp xếp cho mình, do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình.
  • Và tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó, vì “hễ ai tự nâng mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) nâng lên.”
    b. Bài học về việc phục vụ vô vị lợi: Chúa Giêsu lấy thí dụ bằng việc mời khách dự tiệc.
  • “Hãy mời những người nghèo, người què, người cà thọt và người đui”: ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ “người nghèo”. Chúa Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền Thờ (2Sm 5, 8; Lv 21, 18).
  • “Họ không có gì đáp lễ”: người đời thường cư xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Chúa Giêsu khuyên hãy mời những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (“ông sẽ được đáp lễ”: thể thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động).

Lời Chúa Giêsu hôm nay khiến chúng ta đặt lại vấn đề: Làm thế nào để thực hành lời Chúa mà không khiến cộng đoàn bị xáo trộn và cũng không phải thay thế một kiểu chủ nghĩa hình thức này bằng một chủ nghĩa hình thức khác?

Sau đây là một số hoàn cảnh chúng ta cần suy nghĩ:

  • Cách chọn người đại diện cho những thành phần tín hữu.
  • Những hình thức ưu tiên trong cộng đoàn.
  • Cách đối xử với người nghèo, người ít học và cả người “tội lỗi” v. v…