Sống đạo hôm nay: CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Đã có hơn một lần Đức Giêsu bảo: “Anh em hãy coi chừng.” (7,15;
10.17), nhưng Người cũng nói “Đừng sợ!” (10,26). Hai điều này đều cần
thiết. Người môn đệ phải khôn ngoan để nhận ra đối thủ, phải biết khách
quan đánh giá nguy hiểm, nhưng sau đó, phải đứng vững giữa các tấn
công và cám dỗ. Đức tin xua trừ sợ hãi. Ý thức rằng mình thuộc về Đấng
Cứu Độ, mình được mời gọi gánh chịu số phận của Người, chính điều
này làm cho ngưởi môn đệ được vững vàng và can đảm.
– Vậy anh em đừng sợ (26): Anh em đừng sợ họ, không phải bởi vì họ
không thể làm gì anh em, nhưng là bởi vì anh em không được mong rằng
mình có một số phận bớt đau thương hơn Thầy (cc.24-25). Vậy, dù vẫn
sợ những người bách hại, anh em cứ phải đảm nhận lấy nỗi sợ hãi ấy mà
cứ tuyên xung niềm tin mới. Anh em sợ hãi người ta là chuyện dễ hiểu
(cc.17-25), nhưng đừng vì thế mà thôi làm chứng.
– Được tỏ lộ … biết: Câu này có chủ từ là Thiên Chúa. Bây giờ Thiên
Chúa muốn tỏ lộ cho mọi người biết mầu nhiệm Nước Trời, nhờ chứng
tá của các môn đệ. Lý do thứ nhất khiến không phải sợ, đó là sứ điệp vĩ
đại về Nước Thiên Chúa sắp được tỏ lộ. Dù thế nào, Tin Mừng cuối cùng
sẽ tỏa rạng quang vinh.
– Những kẻ giết thân xác (28): Lý do thứ hai khiến không phải sợ, đó
là sự sống chân chính của con người được bảo vệ. Những kẻ bách hại chỉ
có thể “giết” (thân xác); duy mình Thiên Chúa mới có thể “tiêu diệt” trọn
con người (cả xác lẫn hồn).
– Ngoài ý của Cha anh em (29): Lý do thứ ba khiến không phải sợ, đó
là Thiên Chúa quan phòng trên toàn thể tạo vật: một sự trông chứng của
vị Thiên Chúa hằng hữu, là “Cha anh em.” Tuy nhiên, nếu việc làm chứng
đôi khi có thể đưa người môn đệ đến chỗ chết, thì không phải là sự quan
phòng của Chúa vô hiệu, cứ như thể tuy Người có mặt lúc vị tử đạo bị
hành hình, mà vẫn bất lực không cứu được người ấy. Tác giả Tin Mừng
muốn nhấn mạnh rằng, tuy có mặt vào lúc vị tử đạo bị giết, Thiên Chúa
không muốn tách cái chết ấy ra khỏi ý muốn của Người: nếu Người giúp
đỡ vị tử đạo chính là vì rốt cuộc Người muốn vị ấy chấp nhận cái chết,
để cho mọi người được nghe và tin vào Tin Mừng mà vị tử đạo làm chứng.