Sống đạo hôm nay: CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Sống đạo hôm nay: CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Bài đọc I (Êd 33,7-9)
Thiên Chúa đặt ngôn sứ Êdêkien như người lính canh, với nhiệm vụ vạch
tội của kẻ gian ác. Nếu ngôn sứ nói mà nó không nghe, thì nó chịu trách
nhiệm về tội của nó. Còn nếu ngôn sứ không vạch tội và kẻ gian ác phải
chết, thì ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về cái chết đó.
Bài đọc II (Rm 13,8-10)
Thánh Phaolô chỉ cho tín hữu Rôma biết cốt lõi của mọi lề luật, đó là
“yêu mến nhau.” Ngài dùng hai kiểu nói: “Vì ai yêu người thì đã giữ trọn
Lề luật”; “Yêu thương là chu toàn cả lề luật.”
Ðáp ca (Tv 94)
Tác giả lên tiếng kêu gọi các anh em tín hữu của mình. Nhưng hình như
tiếng của tác giả kêu vô ích trong sa mạc. Bởi thế tác giả mong rằng người
anh em ý thức tiếng huynh đệ ấy cũng là tiếng nói của chính Chúa và
đừng cứng lòng nữa.
Tin Mừng (Mt 18,15-20)
Vấn đề được đặt ra là sửa lỗi anh em.
Tuy nhiên cần phải phân biệt hai trường hợp: Trường hợp của đoạn Tin
Mừng này liên quan đến lỗi có hại cho cộng đoàn, khi đó vì tinh thần
anh em trong cộng đoàn ta phải đi sửa lỗi; còn trường hợp thứ hai được
Thánh Matthêu ghi tiếp theo sau đoạn này (Mt 18,21-35) là lỗi giữa
những cá nhân với nhau. Khi đó, giải pháp là tha thứ, tha “không chỉ bảy
lần mà là bảy mươi lần bảy.”
Vậy khi một người anh em làm điều gì đó sai lỗi có hại đến cộng đoàn
thì Ðức Giêsu dạy ta phải sửa lỗi như thế nào?
– Căn bản là vẫn đối xử như “anh em”. Chú ý trong đoạn Tin Mừng này,
chữ “anh em” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
– Diễn tiến từ kín đáo đến công khai: “riêng ngươi và nó” – “đem theo
một hoặc hai người nữa” – “Trình với cộng đoàn” – Khi đã hết cách thì
mới “Kể nó như người ngoại và người thu thuế.”
– Mục đích sự can thiệp sửa lỗi này không phải là để kết án người anh
em mình, mà là để thu phục, làm cho người anh em trở lại với cộng đoàn.
Nếu được như vậy thì kể như “đã lợi được một người anh em.”