Sống đạo hôm nay : SỐNG NĂM THÁNH – VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ

mercifullogo

Anh chị em thân mến, để có thể đi sâu hơn vào lòng thương xót của Chúa, hôm nay và những tuần kế tiết tôi tìm trích dẫn một số bài viết liên quan đến Mầu Nhiệm tình yêu của Chúa để chúng ta suy gẫm trong Năm Thánh này. Mầu nhiệm tình yêu thương xót cao cả nhất không gì có thể so sánh, đó là “Thánh Thể”

vì Thánh Thể là «nguồn mạch và chóp đỉnh  của toàn thể đời sống Kitô giáo», là bản toát yếu và tổng luận đức tin Kitô giáo. Do đó, hiểu biết thực sự về Thánh Thể là biết tất cả Kitô giáo, sống Thánh Thể là sống trọn vẹn nguồn ân phúc thiêng liêng dồi dào của Thiên Chúa, vì Thánh Thể chứa đựng «chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và là Bánh Trường Sinh trao ban sự sống cho nhân loại».

 

  1. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH LỄ VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

Giữa Thánh lễ và việc Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một mối liên hệ nội tại. «Cử hành Hy tế Thánh Thể là nguồn gốc và đích tới của việc tôn thờ được tỏ bày đối với Thánh Thể ngoài thánh lễ». Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ chính là sự kéo dài thánh lễ chúng ta cử hành, đưa ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. «Bao lâu mà Thánh Thể còn được lưu giữ trong các nhà thờ, Chúa Kitô thực là Đấng Emmanuel, là “Chúa ở với chúng ta”. Chúa ở giữa chúng ta ngày và đêm; đầy tràn ân sủng và sự thật».

  1. CÁC VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

Các việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ bao gồm:

  1. Việc Rước lễ ngoài Thánh lễ

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, «Lý do tiên quyết và căn nguyên của việc lưu giữ Thánh Thể ngoài Thánh lễ là để trao ban “của ăn đàng” (Viaticum)» cho các bệnh nhân.

Những tín hữu không thể tham dự Thánh lễ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ, «để họ được liên kết với Chúa Kitô và với hy tế của Ngài được cử hành trong Thánh lễ». Người nhà của bệnh nhân không thể hiệp dâng thánh lễ, nên dọn lòng rước lễ cùng với bệnh nhân, để nhờ hiệp nhất với Chúa, họ hiệp thông sâu xa hơn với người bệnh trong lời khẩn nguyện và lễ dâng thập giá.

  1. Rước lễ thiêng liêng

Rước lễ thiêng liêng là việc sùng kính riêng tư. Một người yêu mến Chúa Thánh Thể sẽ liên lỉ ước ao kết hiệp với Chúa và vì không thể rước cách Bí tích (rước lễ) thì lòng họ khao khát rước Chúa cách thiêng liêng.

Hiệu quả của việc sùng kính này tùy thuộc lòng nhân từ của Chúa đối với lòng yêu mến khao khát nơi mỗi người. Thực hành này đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ gìn giữ họ luôn sống trong ân sủng và ban ơn giúp họ ngày càng kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết: “Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự Thánh lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành đem lại nhiều ơn ích; qua đó tình yêu của Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên bạn”.

Một điểm thuận lợi là ta có thể rước lễ thiêng liêng mỗi ngày nhiều lần, ở bất cứ nơi nào, lúc nào, làm cả ngày sống của ta luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, thành lời cầu nguyện liên lỉ như Chúa dạy (x. Lc 18,1; 21,36).

  1. Viếng Chúa

«Viếng Thánh Thể lưu giữ trong nhà tạm là việc gặp gỡ Chúa cách ngắn ngủi, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Chúa đang hiện diện tại đây và có đặc điểm là cầu nguyện trong thinh lặng». «Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng của lòng tri ân, một dấu hiệu của tình yêu mến và một bổn phận tôn thờ của ta đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta». Thánh Anphonsô Liguori viết: «Trong số các việc đạo đức, việc thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta».

  1. Chầu Thánh Thể

«Việc chầu Thánh Thể thôi thúc các tín hữu ý thức về sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô và là một lời mời gọi họ hiệp thông thiêng liêng với Chúa. Hơn nữa, đó còn là sự thúc đẩy tuyệt vời để hiến dâng Thiên Chúa sự thờ phượng xứng hợp trong tinh thần và chân lý ». «Niềm tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa đương nhiên đưa tới việc biểu lộ công khai niềm tin ấy. Lòng sùng mộ thúc đẩy các tín hữu đến với Bí tích Thánh Thể cũng lôi cuốn họ tham dự sâu xa hơn vào Mầu nhiệm Vượt Qua và đáp lại với lòng biết ơn Đấng, qua nhân tính của mình, không ngừng tuôn đổ sự sống thần linh cho các chi thể của Thân Mình Người. Ở bên Đức Kitô, họ được hưởng tình thân sâu xa của Chúa, được gần gũi, tâm sự, cầu xin Chúa cho bản thân, cho người thân, cũng như cho sự bình an và ơn cứu độ của thế giới. Dâng hiến trọn đời sống mình cho Chúa Cha cùng với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, họ được gia tăng đức tin, cậy, mến nhờ những cuộc trao đổi tuyệt vời này. Nhờ vậy, họ được nuôi dưỡng những tâm tình chân thực khiến họ có thể cử hành việc tưởng niệm Chúa với lòng sùng mộ thích đáng và năng rước lấy Bánh Thánh mà Chúa Cha đã ban cho ta». Chúng ta “thinh lặng” trước sự hiện diện của Chúa và mở lòng đón nhận ân sủng tình yêu… «Nhờ phụng thờ Chúa Thánh Thể, ta được biến đổi nên người Chúa muốn! Theo nghĩa đầy đủ, chầu Thánh Thể có nghĩa là “Thiên Chúa và con người vươn đến nhau cùng một lúc!”».

  1. Phép lành Thánh Thể

Linh mục hay Phó tế kết thúc Giờ Chầu Thánh Thể bằng việc ban phép lành Thánh Thể cho những người hiện diện. Đây là một trong những á Bí tích.

Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen, tạ ơn Thiên Chúa và là lời cầu xin các ân huệ của Ngài. Trong Đức Kitô, các Kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha bằng mọi thứ chúc lành thiêng liêng. Bởi vậy, Giáo Hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Đức Kitô.

  1. Cung nghinh Thánh Thể

«Rước kiệu ngày lễ trọng kính Mình Máu Chúa là “hình thức tiêu biểu” của những cuộc rước kiệu Thánh Thể. Đó là phần nối dài việc cử hành phụng vụ Thánh Thể: ngay sau lễ kính Mình Máu Chúa, Bánh Thánh được truyền phép trong thánh lễ được rước ra khỏi nhà thờ để giáo dân “bày tỏ công khai lòng tin và lòng mến đối với Bí tích Thánh Thể”». «Các tín hữu hiểu rõ và yêu thích những giá trị của việc rước kiệu Thánh Thể: họ ý thức mình là thành phần của “dân Chúa”, đi cùng đường với Chúa và tuyên xưng niềm tin nơi Đấng thật sự là “Chúa ở cùng chúng ta”». «Thánh Thể được rước đi cũng còn là nguồn mạch phúc lành và vô vàn ơn sủng» (x. Cv 10,38)