THÁNH LÔRENSÔ NGUYỄN VĂN HƯỞNG (1802-1856)

LaurensoNguyenVanHuong

Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, linh mục; sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội; tử vì đạo ngày 27 tháng 4, 1856, gần Ninh-Bình. Thánh Hưởng truyền giáo nhiều năm trước khi bị bắt, bị giam tù và bị xử trảm (chém đầu) dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 27/04.

Theo chứng từ của người cháu gọi ngài là chú, tên Anna Xuân, thì ngài là người con trai thứ bốn. Hồi còn nhỏ cha mẹ ngài gọi tên là Bơ, khi vào nhà Ðức Chúa Trời thì đổi tên là Tuấn và khi học lý đoán đổi tên là Hưởng, sau làm linh mục có đổi tên khác nữa nhưng người ta cứ quen gọi là Hưởng.

Cha Hưởng thụ phong linh mục ngày nào không có sách nào kể, chỉ biết sau khi làm linh mục, Cha Hưởng tháp tùng Đức Cha đi giảng ơn toàn xá năm 1851 tại Kẻ Ðầm, họ Quán Khoái và mấy họ lẻ thuộc xứ Kẻ Non. Sau đó Đức Cha sai ngài về giúp Cha Tường ở xứ Giang Sơn hai năm rồi vào giảng đạo ở Lạc Thổ, một xứ người Mường, khí độc. Sau bốn tháng, cha mắc bệnh sốt rét phải về điều trị trong kinh đô ba bốn tháng cho khỏe rồi lại trở lại nhiệm sở.

Tháng 11-1855 vào mùa Vọng, Cha Chất và Cha Hưởng đi cấm phòng. Về sau này khi Cha Hưởng bị bắt, Cha Chất nói rằng: “Khi người ở họ Ðai Vương xuống rước đi kẻ liệt thì chúng tôi mới cấm phòng được năm ngàỵ Tôi thấy ngài cấm phòng và xưng tội sốt sắng lạ thường, cho nên khi được tin ngài bị bắt tôi nghĩ ngay rằng Ðức Chúa Trời muốn cho ngài dọn mình chịu chết vì đạo, mới mở lòng cho ngài cấm phòng sốt sắng như vậy”.

Năm lần bảy lượt bị thử thách gông cùm và bị dụ dỗ đạp qua Thánh giá để bỏ đạo, Cha một mực kiên trung. Ngày 25-4, án triều đình về tới Ninh Bình. Bản án viết: “Nguyễn Văn Hưởng, 54 tuổi, người tỉnh Hà Nội, nhưng không rõ quê quán, đã theo tà đạo Giêsu và xưng nhận là đạo trưởng. Bị tra khảo vẫn còn cố chấp không chịu bỏ đạo và đạp ảnh vì thế phải trảm quyết tức khắc”. Ông đội canh liền báo cho cha và các người thăm nuôi. Cha Hưởng ăn chay suốt ngày để chuẩn bị. Tới ngày xử, Cha Khoan còn đến đưa Mình Thánh và giải tội lần sau hết. Sáng hôm ấy ông đội canh dẫn vợ con vào tù chào Cha Hưởng và nói những lời rất cảm động: “Mặc dù tôi không theo đạo nhưng tôi biết rõ các linh mục vô tội, ở Nghệ An tôi cũng đã phải canh một linh mục. Tôi không dám làm khổ nhưng bây giờ phép triều đình đem cụ đi xử thì xin khi về thiên đàng nhớ đến chúng tôi với”.

Cha Hưởng từ giã ông cai đội như sau: “Tôi rất biết ơn lòng tốt của ông, phần tôi, tôi đi về với Chúa, ông và gia đình ở lại bằng an”. Quay sang các bạn tù cha nói tiếp: “Giã biệt các anh em, chúng ta đã có dịp chia sẻ và hàn huyên trong nhiều ngày, bây giờ theo lệnh vua, ..”.

Tới nơi xử, khi ngài cầu nguyện xong, quan truyền lệnh lý hình nghe chiêng thì chém. Hôm ấy là ngày 27-4-1856. Sau khi chém rồi, dân chúng lương giáo ùa vào thấm máu nhưng bị lính đánh đập rất ngặt. Thầy Bá được quan cho phép nhận xác để mang về an táng tại Kẻ Vĩnh theo lệnh của đức cha. Tới đêm, thuyền chở xác mới dám vào Vĩnh Trị. Tại đây Cha Tịnh và các thầy nhà trường mặc áo rước xác ngài đưa vào nhà thờ Thánh Phêrô rồi đóng cửa không cho giáo dân vào, vì sợ gây xôn xao. Sáng hôm sau Cha Tịnh mở quan tài cho người nhà xem mặt rồi làm lễ an táng trong gian thứ ba, dưới mộ của cố Hương ở gian thứ hai..

Lạy Thánh Lorenso Hưởng, xin cầu cho Cộng đoàn chúng con.