SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (20/10)
Con cái Israel trong cuộc lữ hành đức tin xưa, đã đi ra từ chế độ nô lệ bên Ai Cập vào Đất Hứa luôn có sự đồng hành của ông Mose dẫn đưa họ vào Canaan, một vùng đất chảy sữa và mật ong. Họ đã có một kỳ vọng về sự thịnh vượng và mãn nguyện sau một thời gian dài khốn khổ nơi đất khách quê người xa lạ. Dân chúng đã lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm, trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng, họ phải trải qua các thử thách, khác nhau, và thậm chí có lúc mất cả hy vọng được nhìn thấy Đất Hứa.
Cuộc xuất hành của người Israel từ Ai Cập vào Canaan đã và tiếp tục là một mô hình hay khuôn mẫu cho tất cả những ai đến với Chúa. Trong nhiều thế hệ, các Ki tô hữu đã nhìn vào Môi-se và dân Do Thái những người lang thang trong sa mạc như minh họa cho cuộc hành trình của linh hồn của mình đến với Thiên Chúa.
Một hành trình như thế đòi hỏi phải thanh luyện và thay đổi, yêu cầu người ta gạt bỏ sở thích riêng sang một bên và nhường chỗ cho nhu cầu và hy vọng của người khác, để thành lập một gia đình trên cùng một con đường đến nơi ở vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những người bắt đầu cuộc hành trình như vậy sẽ có trải nghiệm được biến đổi tâm hồn nếu họ thực sự kiên trì trong niềm tin, hy vọng và tình yêu.
Đó là kinh nghiệm của người Do Thái và cũng là của mỗi chúng ta hôm nay. Nghịch lý thay, lãnh tụ Mose đã không được vào Đất Hứa, nhưng đã qua đời nơi biên giới hai miền. Dù sao, Ông cũng là một người dẫn đường rất kiên cường và trung thành cho dân Chúa, gặp nhiều thử thách trên đường đi, nhưng vẫn lắng nghe Chúa và là người phát ngôn của Chúa.
Những người theo ông Mose thường xuyên gặp phải những thử thách, như đói và khát, nhu cầu vật chất. Các thử thách khác nơi nội tâm, chẳng hạn như sự cám dỗ về sự không chung thủy với Thiên Chúa và thờ ngẫu tượng, làm tôi các thần ngoại.
Tất cả chúng ta đang sống trong thế kỷ hai mươi mốt này, cũng đang trải qua những khó khăn và thử thách tương tự. Như người Do Thái, chúng ta cũng phát hiện ra trong chính mình sự thiếu tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, và vì vậy cuối cùng chúng ta đặt niềm tin vào những thứ chóng qua ở đời này, như tiền bạc, niềm vui hay tham vọng, thay vì đặt niềm tin vào một mình Thiên Chúa.
Như một sự hướng dẫn trong cuộc hành trình và để giữ cho chúng ta đi đúng hướng, Chúa Giêsu cho chúng ta chính xác những gì chúng ta cần trong cuộc chiến của chúng ta, cụ thể là một cuộc sống thường xuyên cầu nguyện, trong đó chúng ta đặt tất cả hy vọng vào Thiên Chúa.
“Ơn phù trợ của chúng ta ở nơi danh Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời”, đó là những gì chúng ta tuyên xưng trong thánh vịnh đáp ca hôm nay. Đặt Chúa Kitô vào trung tâm của cuộc sống, chúng ta có thể gặp những thách thức và gánh nặng của cuộc sống với niềm tin rằng các thử thách sẽ không làm cho chúng ta gục ngã, nhưng khiến chúng ta sẵn sàng bước vào một cuộc sống yêu thương và phục vụ như chính Chúa.
Tất cả chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn và sốt sắng hơn, như góa phụ trong Tin Mừng hôm nay; không sợ hãi hay xấu hổ kêu xin với niềm tin và hy vọng suốt cả ngày đêm. Chúng ta không bao giờ tuyệt vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa,
Những người theo Chúa Kitô sẽ phải chịu rất nhiều sự đối xử bất công dưới bàn tay của những người chống lại Thiên Chúa, giống như người góa phụ trong Tin Mừng. Bất chấp thực tế này, chúng ta phải tiếp tục cầu xin sự giúp đỡ của Chúa cả ngày lẫn đêm, không từ bỏ, không bao giờ trở nên mờ nhạt. Chúng ta luôn hy vọng và tin tưởng vào Chúa, bởi đơn giản vì Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu và rộng lượng với con cái của mình.
Có lẽ, người ta dễ dàng từ bỏ việc cầu nguyện khi họ không nhận được phản hồi mà họ mong muốn. Họ kết luận rằng cầu nguyện là không có ích và mất thời gian. Chúa đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta mong đợi hoặc yêu cầu là được đáp trả ngay, nhưng chúng ta vẫn tin rằng Chúa thực sự trả lời những lời cầu nguyện của chúng ta. Có sự chậm trễ là vì thánh ý tốt lành cao siêu của Chúa vượt trên trí hiểu của chúng ta, nên không vì thế khiến chúng ta trở nên mệt mỏi hoặc từ bỏ cầu nguyện.
Chúa yêu thương chúng ta, Ngài luôn khao khát liên kết tình yêu giữa các cá nhân và gia đình, cộng đồng và quốc gia, để hình thành trong một thân thể duy nhất trong Đức Ki tô. Chúng ta được kêu gọi để làm điều này ở mọi nơi và mọi lúc, không bao giờ mất kiên nhẫn, như Thánh Phaolô yêu cầu ông Ti-mô-thê trong bài học thứ hai hôm nay. Hãy trở nên như những người con bé nhỏ đầy tín thác trong lòng bàn tay Thiên Chúa quan phòng. Thiên Chúa yêu thích, chấp nhận mỗi người chúng ta, với đôi tay rộng mở, và luôn sẵn sàng lắng nghe và trả lời chúng ta với suối nguồn ân sủng không bao giờ vơi cạn. Chúng ta hãy vui mừng trong món quà tuyệt vời này từ Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta với tình yêu vô hạn.
Lm Giuse Trần Ngọc Tân,sss
St. Vincent Liem, Melbourne