Bài suy niệm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng Năm A: HÃY VUI LÊN

HÃY VUI LÊN

Chúa nhật tuần trước, Tiên tri Ê-sai đã nói về Nước Thiên Chúa là một vương quốc bình an. Hình ảnh này bao gồm việc; “rèn giáo mác thành quốc thành cày” và tất cả mọi loài thọ tạo sống hòa bình với nhau, kể cả con người chúng ta. Chúa nhật Thứ Ba Mùa vọng hôm nay, Tiên tri I-sai a thêm vào bức tranh hòa bình đó bằng cách tuyên bố: Những người được Thiên Chúa cứu chuộc sẽ được trở về và được lên núi Sion, họ vừa đi lên đền Thánh vừa ca hát, họ được mặc lấy niềm vui bất diệt; Họ sẽ được tràn đầy niềm vui và hoan hỷ, nỗi buồn và sự đau khổ sẽ lìa xa họ. Mặc dù đây là hình ảnh của một vương quốc được phác họa trên trái đất này, nhưng nó được tiên báo là hình ảnh của Nước Trời mai sau: chỉ một mình Thiên Chúa Đấng cứu thoát họ. Họ gặp được niềm vui và được gặp gỡ nhau trong hiệp nhất và hoan hỷ, và không bao giờ còn cảnh buồn đau, hay phải than khóc nữa.

Bài đọc hai hôm nay, trích trong Thư của Thánh Giacôbê Tông đồ, khuyên tất cả chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi Nước Thiên Chúa đến. Nước trời đã đến gần bên, điều đó có nghĩa là Nước ấy có thể đến bất cứ lúc nào. Đó là một vương quốc mà chúng ta phải sống ngay bây giờ tại trần thế, cho dù Nước ấy chưa đến. Lời khuyên tốt nhất cho chúng ta về cách sống hiện tại Vương quốc tương lai của Chúa là: Hãy đừng phàn nàn, trách móc, phán xét bất cứ một ai, những anh chị em xung quanh, nhờ thế, bạn sẽ không bị phán xét mai sau. Một thế giới tương lai sẽ khác với cuộc sống hiện tại như thế nào, nếu chúng ta sống theo hướng dẫn đó! Đây không phải là một lời mời gọi chúng ta sống thụ động, mà là một lời mời gọi với một lối sống thanh bạch, rõ ràng hơn. Chúng ta hãy nghĩ về Vị lãnh đạo Ấn độ nổi tiếng; Mohandas Gandhi, người đã chỉ cho chúng ta cách sống bất bạo động của Chúa Giêsu. Đấng đang dạy chúng ta cách sống không phàn nàn, trách móc và xét đoán? Ông Gandhi là người tham gia vào chính trị và đã thay đổi thế giới chúng ta đang sống, không bằng súng ống, khí tài hay khẩu chiến, nhưng bằng biện pháp hòa bình, con đường bất bạo động. Ai trong chúng ta có thể thay đổi thế giới, Giáo xứ hay gia đình của mình bằng cách không phàn nàn hay tranh chấp với người khác?

Tin Mừng Matthêu hộm nay, đưa chúng ta trở lại với Ngôn sứ Gioan Tiền Hô, tiếp tục khai triển ý tưởng đã được khởi đi từ Chúa Nhật tuần trước. Thay vì hình ảnh của Gioan Tiền Hô rao giảng về sự sám hối, chúng ta gặp thấy những môn đệ của ông Gioan, những người mà ông đã sai họ đến gặp để hỏi Chúa Giêsu: Ngài có phải là Đấng phải đến không? Đây là một câu hỏi mà mỗi chúng ta cần phải hỏi mỗi ngày: Ngài có phải là Đấng phải đến không? Chúng ta muốn đức tin của chúng ta mãi tràn đầy và sâu thẳm trong cuộc sống từng cá nhân. Chúng ta không bao giờ muốn đức tin của chúng ta trở thành chỉ như một yếu tố khác, trong nhiều khía cạnh phụ trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta muốn dâng hiến hoàn toàn cuộc sống của chúng ta cho Chúa, bởi vì Chúa đã ban tặng tất cả con người; tình yêu và cả mạng sống Ngài cho chúng ta. Bạn có muốn là một người như thế không?

Cuối bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rõ với tất cả những ai muốn lắng nghe Ngài rằng: điều quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi con người, là họ thuộc về Nước Thiên Chúa. Thánh Gioan Tiền hô là một người được Đức Giêsu khen là lớn nhất trong những người được các Bà mẹ sinh ra, nhưng điều đó chẳng đáng là gì, nếu ông không thuộc về Nước Thiên Chúa. Nghĩa là bất cứ một người nào cho dù nổi danh thiên hạ khó ai sánh bằng, nhưng họ không thuộc về dân của Nước trời, thì cũng trở nên uổng công, vô ích.

Đây là một so sánh giữa thực tại của thế gian với thực tại của vương quốc thiên đàng vĩnh cửu, điều mà Giáo hội trong suốt Mùa vọng mời gọi chúng ta cân nhắc, chọn lựa. Trong Nước Trời, tất cả chúng ta hoàn toàn ở trong vòng tay của Thiên Chúa và ở đó sẽ không cần phải đấu tranh để trở thành một người lớn hơn người khác. Chúng ta sẽ hoàn toàn là chính mình và hoàn toàn tràn đầy tình yêu của Chúa, với mong duy nhất là sống trong tình yêu với Chúa và với tất mọi thọ tạo Ngài đã đựng nên. Amen

 

Lm Giuse Trần Ngọc Tân,sss

Flemington Australia