Sống đạo hôm nay: GIÁ TRỊ CỦA TỪNG CON NGƯỜI
Một hội từ thiện kia xây dựng một ngôi trường nhằm giúp cho những thiếu niên hư hỏng hoán cải. Khi bàn đến những chi tiết trong việc điều hành trường như mua sắm phương tiện, thuê mướn giáo viên v. v… một hội viên phát biểu: “Chúng ta đừng ngại tốn kém. Chỉ cần hoán cải được một thiếu niên thôi thì tốn bao nhiêu cũng đáng.” Một người khác hỏi tại sao thì ông này đáp: “Bởi vì thiếu niên hư hỏng ấy là con của tôi.”
Bài Tin Mừng hôm nay gồm tới 3 dụ ngôn. Dụ ngôn đầu xem ra không hợp lý: Ai lại bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc? Dụ ngôn thứ hai cũng chẳng có sức thuyết phục bao nhiêu: một đồng xu có đáng là bao so với công sức mà người đàn bà kia bỏ ra để tìm lại nó? Nhưng rồi tất cả đều trở thành hợp lý khi ta đọc dụ ngôn thứ ba: Ý của Chúa Giêsu không nhằm nói tới con chiên, cũng không nói tới tiền bạc mà nói tới con người. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi một con người đều có giá trị vô cùng, bởi vì mỗi một con người, dù là tội lỗi, cũng đều là con của Ngài.
Tuy nhiên có mấy ai chia xẻ tâm ý của Chúa? Những người Pharisêu và các kinh sư thấy Chúa Giêsu bỏ công lui tới với những người tội lỗi thì họ cho là mất công vô ích nên xầm xì phản đối. Đối với họ, việc làm của Chúa Giêsu là không đáng, bởi vì những kẻ tội lỗi là hạng đáng vất đi. Nhưng đối với Chúa Giêsu, đó là những con người, những giá trị. Một đồng xu quý giá thế nào đối với người đàn bà nghèo khổ, một người con quý giá thế nào đối với tấm lòng người cha, thì một người tội lỗi cũng đáng giá như thế đối với tấm lòng của Thiên Chúa.
Thế còn việc bỏ 99 con chiên trong đàn để đi tìm con chiên lạc thì sao? Vì con chiên ấy cần được chăm sóc hơn 99 con kia: nó cô đơn, nó bơ vơ, nó đói khát hơn, nó bị nguy hiểm nhiều hơn. Vì thế nên người mục tử nhân lành không thể ở yên chờ nó tìm được đường về, mà phải đích thân ra đi tìm nó. Chúa Giêsu đã làm như người mục tử ấy: Ngài không chờ kẻ tội lỗi đến với mình, nhưng được bước trước đến với họ. Ngài kết thân với họ trong tình trạng của họ còn đang là tội nhân, còn đang lầm lạc. Chính đó là cách đối xử khác những người Pharisêu và kinh sư, và chính đó là lý do khiến họ xầm xì phản đối. Nhưng chính cách đối xử này đã hoán cải được một người Pharisêu nổi tiếng là Thánh Phaolô (bài đọc 2).