Sống Đạo Hôm Nay: LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Qua ngày lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được toàn thể anh chị em Công Giáo khắp Năm Châu mừng hôm nay, Giáo Hội muốn khẳng định cho chúng ta và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ: Trong số đoàn người đông đảo đứng trước Ngai Thiên Chúa có cả những người thuộc dân tộc Việt Nam, có cả con cháu dòng giống Lạc Hồng, các ngài đã trải qua những cơn thử thách gian truân, lấy mạng sống của mình để minh chứng cho niềm tin và nay được trở về với Thiên Chúa.
Các vị tử đạo Việt Nam là ai? Các ngài là những nhà truyền giáo đến từ các nước, là các giám mục, các linh mục người Pháp, Tây Ban Nha, nhưng đa số là những người Việt Nam gồm ba mươi bảy linh mục, mười sáu thầy giảng, một chủng sinh và đặc biệt là rất nhiều giáo dân.
Mỗi lần mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta không thể quên rằng: hạt giống đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trên mảnh đất quê hương Việt Nam là hồng ân của Thiên Chúa tặng ban, nhưng cũng là hạt giống được tưới gội và vun trồng bằng nước mắt, mồ hôi và cả xương máu của cha ông. Và như thế, Đức tin ấy là một gia sản vô giá mà con cháu phải trân trọng giữ gìn và mạnh mẽ phát huy. Một trong những phương thế để phát huy là truyền giáo, vì truyền giáo là đòi hỏi nội tại của niềm tin, khi niềm tin ấy được chia sẻ với người khác sẽ không cạn kiệt nhưng lại vươn cao sức sống.
Vì thế mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam không thể chỉ được thực hiện như là một hoài niệm, cho dầu là hoài niệm đáng trân trọng, nhưng phải là sức đẩy cho những bước chân đi làm chứng tá cho Tin Mừng. Nếu trong bối cảnh của xã hội ngày xưa, cha ông chúng ta đã làm chứng tá bằng cái chết vì niềm tin, thì hôm nay, chứng tá cần thiết chính là đời sống của mỗi người, của mỗi gia đình Kitô hữu và của cả cộng đồng Kitô hữu.
Làm chứng bằng một đời sống trong bối cảnh một xã hội như xa lạ và đối nghịch với các giá trị Tin Mừng, thì tự lời chứng đó đã là một cách chết và hiệp thông với Đức Kitô. Bởi vì phải từ bỏ mình rất nhiều và liên tục mới có thể sống tình thương trong một thời đại đầy dẫy ích kỷ và thù hận. Phải quên mình mới dám sống lời mời gọi trung tín vợ chồng giữa một xã hội đang có quá nhiều gia đình ly tán. Phải có tâm tình tự hủy như Đức Kitô mới có thể sống tinh thần nghèo khó trong một nền xã hội tiêu thụ mà tiền bạc thống trị tất cả. Chúng ta không coi thường các giá trị của xã hội, nhưng có một thang giá trị riêng. Chúng ta biết rõ đâu là những giá trị phải tôn trọng. Nếu bỏ qua những giá trị đó, chúng ta sẽ đánh mất chính mình, và sẽ không còn là chứng tá của Tin Mừng.