Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó quả là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19).
Niềm tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến TIN là nói đến YÊU, hay trái lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.
Tình yêu mến, tương ứng nhưng lại khác biệt
Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Mađalena nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan. Nhờ lòng mến thiết tha mà Mađalena khám phá ra mồ trống trước tiên. Nhưng rất tiếc khi chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm trong cơn hốt hoảng, Chị đã không có khả năng nhận ra ý nghĩa của các dấu chỉ, và trở nên buồn rầu, lo lắng, khóc lóc. Có thể chúng ta cũng sẽ như vậy khi đứng trước những lầm than, mất mát và đổ vỡ trong đời, chỉ còn lại nuối tiếc và đau thương của một tình cảm đã chôn vùi. Đời chúng ta lắm khi giống như ngôi mộ trống trải. Những gì chúng ta yêu quí nay chẳng còn. Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất trong nước mắt và đau khổ như Mađalena. Nhưng nếu xác Chúa Giêsu cứ nằm yên trong mồ để cho Chị thăm viếng, thì làm gì có chuyện Chúa Phục Sinh. Chị ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ, nhưng chỉ gặp chính Đấng Phục Sinh ở ngoài ngôi mộ (Ga 20, 11-17), ở ngoài sự đau xót cho một quá khứ đã qua, ở ngoài sự bám níu vào một cách thế, một hình thức cố định nào đó. Mọi sự ràng buộc bên ngoài đều làm mất đi tự do chân chính trong tinh thần, mất đi ánh sáng của niềm tin và hy vọng vươn lên của một sự sống luôn mời gọi triển nở.
Gioan, người môn đệ Chúa yêu, cũng rất yêu Thầy, nhưng tình cảm của ông được đức tin hướng dẫn. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố, cũng giống như Gioan, ông khám phá ra ý nghĩa của cái chết bi đát trên đồi Canvê như một dấu chỉ của sự sống mới (Ga 12, 24); ông khám phá ra ý nghĩa của ngôi mộ trống và các tấm khăn đã được xếp gọn gàng như dấu chỉ của một trật tự mới (Mt 9, 17). Dấu chỉ chẳng làm cho tin nhưng giúp người ta bắt đầu tin. Vì thế, khởi đi từ các dấu chỉ hữu hình, đức tin vẫn là sự gắn bó vào cái vô hình. Khi quan sát kỹ những dấu vết để lại, Gioan nhận ra cách thức hành động của Chúa Giêsu trước đây và nhất là ông hiểu được Kinh Thánh, đồng thời nhớ lại những lần tiên báo phục sinh của Thầy. (còn tiếp)