Sống đạo hôm nay: Sống Tuần Thánh

<h1>I. TUẦN THÁNH</h1>
Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa nhật Lễ Lá. Sự kiện này nối kết lời tiên báo về cuộc khải hoàn vinh thắng của Vua Giêsu Kitô và cuộc thương khó của Người.
Việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem phải được cử hành cách long trọng ; các tín hữu nên bắt chước các trẻ em Do Thái khi tiến đến gặp Chúa Giêsu, vừa hát “Hosanna – Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” vừa làm cử chỉ tung hô kèm theo. Các vị mục tử lo liệu làm sao để cuộc rước kiệu lá tôn vinh Chúa Kitô Vua mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống thiêng liêng của tín hữu.
Bài Thương Khó chiếm một vị trí đặc biệt trong thánh lễ. Bài Thương Khó nên được hát hay đọc theo cách thức truyền thống, tức là gồm ba người đóng ba vai. Vì ích lợi cho đời sống đạo của người tín hữu, cần đọc Bài Thương Khó trọn vẹn và các bài đọc trước đó không được bỏ.
<h2>THỨ NĂM TUẦN THÁNH : THÁNH LỄ TIỆC LY</h2>
Với thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ‘Giáo hội bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua và tưởng nhớ Bữa tối sau cùng của Chúa Giêsu, mà trong đó Ngài bị phản bội, Ngài tỏ lộ tình yêu cho những ai thuộc về Ngài, Ngài dâng hiến thịt và máu mình lên Chúa Cha dưới hình bánh và rượu rồi trao cho các Tông đồ, để các ông chia sẻ với nhau, và rồi Chúa Giêsu truyền lệnh cho các ông và những người kế vị các ông trong chức linh mục cử hành hy lễ này đến muôn đời’.
Phải chú ý tưởng niệm các mầu nhiệm trong thánh lễ này : thiết lập Bí tích Thánh Thể, truyền chức tư tế, và lệnh truyền của Chúa Giêsu về tình yêu thương huynh đệ ; do đó, bài giảng nên diễn giải các điểm này.
<h2>THỨ SÁU TUẦN THÁNH</h2>
Vào ngày này, khi “Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua chịu hiến tế”, thì Giáo hội chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa và Hôn Phu của mình, tôn thờ thánh giá, tưởng niệm mình đã xuất phát từ cạnh sườn Chúa Kitô đang an giấc trên thánh giá, và cầu xin cho cả thế giới được ơn cứu độ.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày của sám hối, ăn chay và kiêng thịt, phải tuân giữ trên toàn GH.
Hôm nay, Giáo hội không cử hành bí tích nào cả, trừ bí tích Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân.
Kết thúc bài Thương Khó nên có bài giảng.
Về việc kính thờ Thánh giá : Thánh giá dùng cho việc suy tôn phải có kích cỡ và mỹ thuật thích hợp, và làm sao Thánh giá này toát lên vẻ uy hùng của mầu nhiệm ơn cứu độ. Cả lời kêu mời khi mở khăn che Thánh giá và lời đáp của dân chúng phải hát ; và phải dành một khoảng thời gian thinh lặng để tôn thờ Thánh giá và cầu nguyện sau mỗi lần kêu mời, trong khi chủ tế vẫn đứng và nâng cao thánh giá.
Thánh giá được trưng bày để cho từng tín hữu tôn kính, vì việc kính thờ Thánh giá của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất của nghi thức này.
Chỉ dùng một Thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ nhằm diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của nghi thức.
Kết thúc buổi cử hành, lột khăn bàn thờ ; Thánh giá vẫn để lại và có 4 cây nến cháy sáng.
Đặt Thánh giá Chúa làm sao để tín hữu có thể kính thờ, hôn thánh giá và ở lại suy niệm.
<h2>THỨ BẢY THÁNH</h2>
Thứ Bảy Thánh, Giáo hội ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông ; đồng thời ăn chay và cầu nguyện để trông đợi Chúa Phục Sinh.
Nên trưng bày trong nhà thờ hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, hoặc táng xác trong mồ, hoặc xuống ngục tổ tông minh hoạ mầu nhiệm ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, cũng như hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, để giáo dân suy niệm và cầu nguyện.
Hôm nay, Giáo hội không cử hành một Thánh Lễ nào. Chỉ có thể cho rước lễ như Của Ăn.