Sống Đạo Hôm Nay: TỈNH THỨC
TỈNH THỨC
Cuối bài giảng về cánh chung, thánh Máccô dùng ngôn ngữ của ngôn sứ Đanien
mà trình bày về ngày quang lâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉnh thức.
Trước hết, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy tỉnh thức. Vì không ai biết
ngày Chúa đến “ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không”,
nên cách thích hợp nhất để chờ ngày Chúa đến là luôn tỉnh thức, nghĩa là, ý
thức ngày đó có thể xảy ra bất cứ khi nào và cố gắng để không bị bất ngờ.
Hơn nữa, sự tỉnh thức không chỉ là sự chờ đợi mang tính thụ động. Dụ ngôn
ông chủ đi xa, để lại nhà và trao quyền cho các đầy tớ của mình mỗi người một
việc cho thấy ý nghĩa tích cực của sự tỉnh thức. Tỉnh thức cách chủ động là sự
ý thức về bổn phận được giao phó, dù ông chủ đi xa thì người đầy tớ vẫn phải
chu toàn phận vụ của mình; nhờ vậy bất cứ khi nào ông chủ về, dù lúc chập tối
hay nửa đêm, gà gáy hay tảng sáng, người đầy tớ đều phải sẵn sàng để tính sổ
với ông chủ.
Sau cùng, trái với thái độ tỉnh thức là sự mê ngủ. Người đầy tớ không canh thức
mà khi chủ đến bất thần và bắt gặp đang ngủ thì quả là điều không may. Các
môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cũng từng bị Người trách khi không thể “canh
thức với Thầy.” (Mc 14,37-41) Sự mê ngủ của người môn đệ không chỉ đơn
giản là quên ra đón Chúa khi Người đến, mà là nguy cơ “sa chước cám dỗ.”
ÐÔI MẮT CỦA TÂM HỒN:
Trong một chuyến đến thăm ngôi trường khiếm thị duy nhất của thành phố, tôi
chạnh lòng nhìn cảnh một số em quờ quạng với chiếc gậy trên tay, có em lại
bám vào vai bạn và cả hai cùng lần bước… Còn đến khi vào lớp, các em lại cần
mẫn dùng những ngón tay nhỏ bé gầy guộc để đọc từng giòng chữ Braille trên
trang giấy nổi… Bất chợt, ánh mắt tôi dừng lại ở một em bé có đeo một mẫu
ảnh Thánh Giá nho nhỏ trên ngực áo. Tiến lại gần, tôi làm quen với em và được
biết… Em kể rằng: “Trước khi vào trường này, mẹ em đã đeo cây Thánh Giá
này cho em và bảo: Ðèn của thân thể người ta là đôi mắt, còn với con, thì Thánh
Giá sẽ là cây đèn cho con đấy!”
Tôi ân cần hỏi em: “Thế em có thấy vui không?” Em bé ngước nhìn lên với đôi
mắt đục mờ, trả lời ngay: “Có chứ anh, em đã mất đôi mắt của thân thể, nhưng
thật sự thì đôi mắt của tâm hồn em vẫn sáng!” Nghe câu trả lời quả quyết ấy,
tôi giật mình tự nhủ: Con mắt của tâm hồn mình có còn sáng hay đã tắt ngúm
rồi nhỉ? “Lạy Chúa, xin Chúa hãy là đèn sáng cho cuộc đời con, Chúa ơi!”
(Ðặc San CON ÐỨC MẸ, Xuân 2000. NỐI LỬA CHO ÐỜI số 4)