SỐNG  MÙA VỌNG

SỐNG  MÙA VỌNG

  1. Nguồn gốc Mùa Vọng

– Theo danh từ, thì mùa vọng mà chúng ta sử dụng hiện nay là để chỉ thời gian đi trước lễ Giáng sinh và có nghĩa là việc ngư đến, đăng quang hay lên ngôi,…

– Theo thời gian, thì từ mùa vọng chỉ xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ VI. Lúc đầu thời gian mùa vọng là sáu tuần lễ nhưng về sau nó được rút lại chỉ còn bốn tuần lễ trước lễ Giáng sinh.

– Theo ý nghĩa, thì mùa vọng là thời gian để người tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Đại lễ Giáng sinh, nhưng còn là chuẩn bị đón nhận cuộc tái lâm vinh quang của Chúa vào ngày sau hết. Vì vậy, đây không chỉ đơn thuần là kỷ niệm biến cố lịch sử, mà còn là một cử hành biến cố cứu độ, Thiên Chúa hứa thì Ngài sẽ hiện thực.

  1. Đặc tính của Mùa Vọng

Mùa vọng gắn liền và hướng về Mùa Giáng sinh. Kitô hữu mặc lấy tâm tình của dân Chúa xưa chờ đón Chúa đến. Giáo hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị mừng kính việc Con Thiên Chúa đến với loài người lần thứ nhất, đồng thời hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì vậy, Mùa vọng phải được coi là mùa chuẩn bị tâm hồn sốt sắng và tràn trề niềm hy vọng và hân hoan.

  1. Ý nghĩa của Mùa Vọng :

Mùa vọng được cử hành trên ba phương diện:

– Trong quá khứ: là tưởng niệm và kính nhớ Đức Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể sinh ra tại Bê-lem, bởi Đức Trinh Nữ Maria.

– Trong hiện tại: Chúa Kitô đang đến và lớn lên bằng ân sủng trong Hội thánh cũng như trong tâm hồn người Kitô hữu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải chờ đợi và cầu xin Chúa đến với ta trong đời sống thường nhật, cũng như chờ mong Ngài đến vào ngày quang lâm.

– Trong tương lai: Trông đợi Chúa sẽ ngự đến vinh quang vào thời sau hết. Lúc này Thiên Chúa sẽ tập họp tất cả con cái được tuyển chọn để đưa vào “Trời Mới Đất Mới” là Vương Quốc Vĩnh Cửu của Người.

* Ngoài ra, Giáo hội còn kêu mời các Kitô hữu sống ý nghĩa MV bằng những việc:

– Trông đợi và tích cực chuẩn bị tâm hồn mừng ngày Chúa Giáng lâm như người Do Thái xưa đã khao khát và trông đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa.

– Củng cố đời sống đức tin, đức cậy của ta đối với cuộc chiến thắng và trở lại vinh hiển của Chúa Kitô.

– Hân hoan mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng của Chúa Kitô; qua những ân sủng đó, Chúa Kitô tiếp tục chiếu toả sự hiện diện và sự sống của Người.