Sống – Niềm Vui Phục Sinh Nơi Chúng Ta

phuc sinhChúa Giêsu phục sinh là nguồn vui vô tận cho chúng ta.
Chúng ta rất vui, khi hy vọng Người cho chúng ta cũng sẽ được sống lại như Người.
Chúng ta rất vui, khi tin rằng: Chúa phục sinh đang ở trước mặt ta. Người ở bên ta, để dẫn ta trên con đường đi tới phục sinh.
Chúng ta rất vui, khi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa phục sinh trong ta. Người ở trong chính ta.
Niềm vui ấy sẽ trọn vẹn, khi ta có thể nói: “Không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Người là Chúa Kitô phục sinh. Niềm vui phục sinh là một ơn huệ Chúa ban. Chúa ban ơn đó cho những ai biết đón nhận.
Ở đây, xin nhắc tới một số điều kiện cần có, để đón nhận ơn phục sinh.

1. Phải chiến đấu chống sự ác Phục sinh của Chúa Giêsu là một chiến thắng sự chết. Để chiến thắng, chúng ta phải chiến đấu chống lại sự tội và những gì gây ra tội lỗi.

a) Trước hết là chiến đấu chống lại sự mù quáng của xác thịt. Sự mù quáng của xác thịt thường rất nặng nề. Thánh Phaolô mô tả tình hình đó trong vài câu tâm sự sau đây: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, còn điều tôi ghét thì tôi lại làm” (Rm 7,14). Ngài cắt nghĩa: “Vẫn biết rằng Lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho ma quỷ” (Rm 7,14). Tuy vậy, khi chúng ta nhờ Đức Kitô mà chiến đấu, thì chúng ta sẽ thắng. Chiến thắng đó đem lại niềm vui. Niềm vui này có thể gọi là niềm vui phục sinh.

b) Ngoài xác thịt, chúng ta phải chiến đấu chống các thần dữ. Các thần dữ, tuy bị Chúa phạt, nhưng vẫn có nhiều khả năng làm những chuyện đáng sợ. Một trong những chuyện đáng sợ, là gây hại cho người ta bằng nhiều cách, từ thô lỗ đến tinh vi. Phúc Âm nói nhiều đến những trường hợp quỷ ám. Con người bị quỷ khống chế dã man. Thời nay quỷ ám, quỷ nhập vẫn xảy ra, nhưng một cách khá kín đáo. Cách thông thường nhất mà quỷ dùng để hại con người là cám dỗ. Phúc Âm thuật lại chuyện quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc (x. Mt 4,1-11). Nó xúi Ngài làm những việc kiêu ngạo phô trương vì mục đích làm sáng danh Thiên Chúa. Chứng tỏ nó rất mưu mô. Hiện nay những cơn cám dỗ của quỷ có thể nói là rất tâm lý và văn minh. Khi chúng ta nhờ ơn Chúa mà chiến đấu với quỷ và thắng được những cám dỗ của nó, thì chúng ta sẽ nếm được niềm vui. Niềm vui ấy đáng gọi là niềm vui phục sinh. Bởi vì phục sinh ấy chính là chiến thắng sự chết vô hình và lực lượng ác thần gây ra sự chết.

c) Trong mặt trận đòi ta chiến đấu, còn có thế gian gian tà. Thế gian gian tà nói đây là những con người gian trá, những nét văn hoá giả dối, những dư luận gian ác, những lý luận gian giảo, những thói quen gian manh. Những cái xấu ấy xen vào những cái tốt, làm cho xã hội trở thành một cuộc nội chiến giữa ác và thiện. Chúng ta phải nhờ ơn Chúa để biết phân định xấu tốt, rồi phải chiến đấu dùng thiện đẩy lùi sự ác. Khi chúng ta nhờ ơn Chúa mà chiến thắng, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thiêng liêng và tự nhiên. Niềm vui đó là niềm vui phục sinh. Bởi vì chúng ta thắng được những gì là sự chết vô hình, và những gì đưa tới sự chết đó.

2/ Phải chiến đấu với chính mình Chúa Giêsu phán: “Ai muốn theo Thầy, thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Từ bỏ mình, từ bỏ cái tôi là chuyện tu đức cần cho mọi người. Kinh nghiệm cho thấy: Cái tôi nếu không được chế ngự, kiểm soát và từ bỏ, thì con người sẽ dễ trở thành người đạo đức giả, ngôn sứ giả, đôi lúc cũng dám tự phong mình như một thứ lãnh đạo, nhưng lãnh đạo giả. Chiến đấu với cái tôi là chuyện không dễ.

Nếu vác thánh giá mình là chu toàn việc bổn phận mình, thì phấn đấu làm việc bổn phận mình không phải là dễ.

Nếu theo Chúa Giêsu là phục vụ Chúa và phục vụ con người trong tinh thần vâng phục Chúa Cha, thì những việc ấy đâu phải dễ. Có thể nói: Sự từ bỏ mình đòi nhiều phấn đấu. Vác thánh giá mình cũng đòi rất nhiều phấn đấu. Bước theo Chúa Giêsu cũng đòi muôn vàn phấn đấu. Phục vụ Chúa và phục vụ con người càng đòi nhiều thứ phấn đấu. Nhưng những phấn đấu ấy sẽ mang lại niềm vui phục sinh. Rồi chúng ta sẽ được Chúa dùng để tham gia vào việc phục sinh bao người khác.

Gm. Bùi Tuần

phuc sinh