SUY NIỆM LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (13/10) – Luca 17: 11-19.

SUY NIỆM LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN – NĂM C (13/10) – Luca 17: 11-19.

Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên C hôm nay được Thánh Luca (17: 11-19) thuật lại câu chuyện mười người phong cùi đã được Chúa Giêsu chữa lành khi Ngài đang trên đường lên Jerusalem, nơi Ngài sẽ chịu chết trên thập tự giá để mang lại cho chúng ta sự sống đời đời. Qua câu chuyện của Tin Mừng hôm nay, Giáo hội nhắc lại cho chúng ta, rằng lòng thương xót nhân hậu của Chúa Giêsu tuôn đổ trên tất cả mọi người, ngay cả những người bị xã hội ruồng bỏ, như những người phong cùi, làm cho chúng ta thấy và ngạc nhiên về Ngài.

Đây chỉ là một trong rất nhiều điều lớn lao kỳ diệu mà Chúa Giêsu đã làm trong cuộc đời rao giảng công khai của Ngài, nhưng hầu hết những người đã được Ngài chữa khỏi cách lạ lùng đã quên cảm ơn Ngài. Trong sự cố ngày hôm nay, có một người, và anh ta là người ít được mong đợi nhất, nhưng lại là người sau khi được chữa lành đã quay trở lại để cám ơn vị ân nhân của mình. Điều này đã làm cho Chúa Giêsu hài lòng và Ngài đã phải kêu lên: “Chớ  thì không phải tất cả mười người đã được lành sao, vậy chín người kia đâu ?”

Chúa Giêsu đã ngạc nhiên và tất nhiên Ngài buồn vì lòng vô ơn của họ. Ngài buồn vì họ đã bỏ lỡ cơ hội để lãnh nhận những ân sủng lớn hơn vì đã không biết biết quay trở lại với lòng biết ơn này.

Tất cả mười người phong hủi cho thấy niềm tin và niềm tin rất lớn vào quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu. Vì trước đó họ đã không nghe Ngài giảng và cũng không thấy phép lạ nào của Ngài. Họ đã sống trong tình trạng cách ly nơi mồ mả, đồng hoang, nhưng họ tin vào những người khác nói cho họ biết về Ngài. Họ đều rất ngoan ngoãn kiên nhẫn, chờ trên quãng đường đến Jerusalem để được gặp Chúa Giêsu, mặc dù họ vẫn mang chứng bệnh phong, chứng bệnh không được hiện diện nơi có người người qua lại.

Sau khi gặp được Chúa Giêsu và được chữa lành, chín trong mười người phong hủi đã suy nghĩ rằng, tất cả là vì họ may mắn. Và vì thế, Vị ân nhân của họ nhanh chóng bị lãng quên. Trong khi đó, suy nghĩ đầu tiên đến với người Samari, là nhớ đến người đã chữa lành vết thương cho anh. Anh ta cũng hết sức vui mừng như chín người kia và nghĩ rằng đó là một ân huệ lớn lao mà anh vừa nhận được, anh ta cảm thấy cần có bổn phận trở lại để cảm ơn người đã chữa bệnh cách kỳ diệu như thế.

Chúng ta có thể xấu hổ về những người đồng hương vô ơn bạc nghĩa với Chúa Giê-su, nhưng chúng ta hãy xem, liệu chúng ta đã thay đổi được bao nhiêu trong cách sống của chúng ta đối với Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ của chúng ta? Những người phong cùi Do Thái đó có thể không biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính con người, trở thành người phàm, là để nâng loài người lên một địa vị siêu nhiên mới. Ngài đã ban tặng cho họ món quà sức khỏe thể chất trong ba mươi, bốn mươi, hoặc có thể là sáu mươi năm nữa. Còn chúng ta ta, chúng ta học biết rằng Ngài đã đến để ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu – một cuộc sống sẽ tồn tại mãi mãi, một cuộc sống thoát khỏi mọi rắc rối và lo lắng “nơi tất cả nước mắt sẽ được lau sach và cái chết sẽ không còn tồn tại nữa”.

Với sự hiểu biết ý nghĩa của Mầu nhiệm Chúa Kitô Nhập thể làm người là để ban cho chúng ta sự tự do vĩnh cửu, cứu ta khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền và cái chết muôn đời, nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài. Nào có bất cứ người Kitô hữu nào có thể quên cám ơn Chúa khi mà họ đang được hưởng ơn Chúa mỗi ngày sao?

Thật không may, mỗi ngày trên thế giới vẫn còn đó hàng triệu người quên ơn Chúa, trong đó có nhiều người trong chúng ta! Bởi thường tình, chúng ta chỉ nhớ đến Chúa khi chúng ta gặp khó khăn. Trong khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, khi trong gia đình chẳng có ai bệnh tậ, hấp hối, khi công việc kinh doanh của chúng ta thịnh vượng, phát đạt, may mắn, khi tất cả quanh chúng ta đều bình an. Những lúc ấy, chúng ta nói được bao nhiêu lần trong tuần” Chúa ơi, cám ơn Chúa, Chúa luôn xử với con thật tốt lành.” Khi cuộc sống gặp bất trắc, sự cố xảy ra, đó là một vấn đề khác. Chúng ta vội vã đến nhà thờ, chúng ta cầu xin Chúa thương xót chúng ta, chúng ta xin lễ, làm giờ cầu nguyện, khấn xin các vị thánh đặc biệt của chúng ta. Điều này không sai. Tuy nhiên, điều sai lầm là chúng ta đã quên cảm ơn Chúa suốt thời gian mà Ngài dành cho chúng ta những ân huệ thiêng liêng và thường xuyên.

Thử gẫm xem: nếu chín người phong cùi vô ơn trong câu chuyện Tin Mừng lại bị mắc bệnh một vài tháng sau đó và quay trở lại để cầu xin Chúa cứu chữa, bạn có đổ lỗi cho Ngài nếu Ngài từ chối không? Hầu hết chúng ta sẽ từ chối, vì chẳng ai muốn nhìn mặt kẻ bội ơn bao giờ. Tuy nhiên, chúng ta mong đợi Ngài vẫn lắng nghe những lời khẩn thiết của chúng ta dẫu nhiều lần chúng ta vô ơn, bội nghĩa.

Tất cả chúng ta cần phải biết ơn Chúa nhiều hơn mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, biết ơn nhiều hơn những gì chúng ta đã có. Người biết ơn, là mẫu người đẹp nhất trong những người đẹp. Chúa không chỉ ban cho chúng ta sự sống trên trái đất này với những niềm vui và nỗi buồn của nó, mà Ngài còn chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống tương lai, nơi sẽ không có sự pha trộn của những nỗi buồn đau. Lòng biết ơn của chúng ta mỗi ngày đặc biệt qua các Thánh lễ, là hy vọng chúng ta sẽ nhận được ơn lớn lao và quí giá giá hơn gấp bội những ơn phần xác, vật chất; đó là cuộc sống Thiên đàng mai sau.

Lm Giuse Trần Ngọc Tân,sss