Sống đạo hôm nay: TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH LỄ
Hiệu quả cứu rỗi các Thánh lễ phát sinh trong linh hồn những người tham dự thật là kỳ diệu. Thánh lễ đem lại sự sám hối và tha thứ tội lỗi, giảm bớt các hình phạt tạm phải chịu vì tội, làm suy yếu ảnh hưởng của Sa-tan và kích thích dấy loạn của xác thịt, làm vững chắc mối dây liên kết với Thân Thể Chúa Ki-tô, gìn giữ chúng ta khỏi nguy hiểm và tai nạn, rút ngắn hình phạt trong Luyện Ngục, ban cho ta cấp bậc vinh quang cao hơn trên Thiên Đàng.
Thánh Lô-ren-sô Giút-ti-a-nô nói: “Lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ Thánh lễ Mi-sa: nào tội nhân được giao hoà cùng Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xoá sạch, nết xấu giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của quỷ ma thất bại.”
Thánh Lê-ô-na-đô Pót Mau-rít không mỏi mệt hối thúc dân chúng nghe Ngài rằng: “Hỡi những con người mê muội, các người đang làm gì? Sao các người không vội vàng đến các nhà thờ để dự bao nhiêu lễ theo sức có thể? Sao các người không biết noi gương các Thiên Thần, mỗi khi Thánh lễ cử hành, đã từ Thiên Đàng xuống vây quanh bàn thờ để thờ lạy Chúa và cầu bàu cho chúng ta.”
Nếu thật sự chúng ta cần ơn thánh cho cuộc đời hiện tại và tương lai, thì không việc nào có thể đạt được ơn thánh bằng Thánh lễ. Thánh Phi-líp Nê-ri thường nói: “Với lời cầu nguyện, chúng ta xin Chúa ban ơn, nhưng trong Thánh lễ là chúng ta bắt Chúa phải ban ơn.” Lời cầu nguyện dâng lên trong Thánh lễ nói lên chức linh mục phổ quát của chúng ta, dù rằng chức linh mục phổ quát của tín hữu không sánh được với chức linh mục thừa tác của cá nhân linh mục nơi bàn thờ. Trong Thánh lễ, lời cầu của ta hợp với lời cầu của Chúa Giê-su khi Người hiến mình cho ta. Cách đặc biệt trong kinh nguyện Thánh Thể là tâm điểm của Thánh lễ, lời cầu của mọi người trở nên lời cầu của Chúa Ki-tô đang hiện diện giữa ta.
Hai lần tưởng nhớ của kinh nguyện Thánh Thể Rô-ma, trong đó người sống và người đã qua đời được nhớ đến, là những giây phút quý báu để ta dâng lời cầu nguyện. Đồng thời, trong lúc cao cả này, Chúa Giê-su qua tay linh mục diễn lại cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Chúa, ta có thể nài xin cho nhu cầu của ta và cho những người thân yêu của ta còn sống cũng như đã qua đời. Hãy để ý tới những lợi ích kinh này đem lại. Các Thánh đã coi là rất quan trọng, và các Ngài tưởng đến chính mình qua lời cầu của các linh mục, các Ngài xin nhớ đến mình trước hết trong kinh nguyện Thánh Thể.
Điều đặc biệt là trong giờ ta chết, các Thánh lễ ta đã tham dự với lòng sốt sắng, đem lại cho ta niềm an ủi và hy vọng lớn lao. Dự một Thánh lễ trong khi còn sống lợi hơn nhiều so với nhờ người khác dự cho nhiều lễ khi đã qua đời. Một lần Chúa phán với Thánh nữ Ghê-tru-đê: “Con hãy tin chắc rằng, người nào đã sốt sắng dự bao nhiêu lễ, thì Ta sẽ sai đến với người đó bấy nhiêu Thánh nhân để an ủi và bênh vực họ trong giờ cuối cùng họ sắp lìa đời.” Thật an ủi biết bao, Cha thánh xứ Ars, cha Gio-an Ma-ri-a Vi-an-nây, đã có lý khi nói rằng: “Nếu ta hiểu giá trị thực của Thánh lễ Mi-sa, ta sẽ hết sức cố gắng để đi dự lễ.” Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ây-mát nói thêm: “Hỡi những Ki-tô hữu, hãy biết rằng không có hành vi tôn giáo nào thánh thiện hơn Thánh lễ Mi-sa, các người không thể làm gì tôn vinh Chúa hơn được, và cũng không có gì lợi ích cho linh hồn các người hơn là sốt sắng dự lễ Mi-sa bao nhiêu lần tuỳ sức có thể.” Vì lý do trên, ta phải coi là may mắn vì có cơ hội đi dự lễ Mi-sa, và để không bỏ mất cơ hội này, đừng bao giờ trì hoãn vì phải hy sinh, nhất là trong ngày Chúa Nhật và lễ nghỉ. Hãy biết Thánh nhi nữ Ma-ri-a Gô-rét-ti đã phải đi và về bộ mười lăm dặm để tham dự Thánh lễ. Cũng nên biết tới gương Sa-ti-na Cam-pa-na dù mang sốt rét nặng cũng cố đi dự Thánh lễ. Thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kon-bê dâng lễ khi sức khoẻ quá yếu đến nỗi một thầy dòng phải đỡ Ngài kẻo ngã. Và cha Pi-ô Pi-tren-lô-xi-na đã bao nhiêu lần dâng lễ khi máu nơi dấu đinh đang chảy và bị sốt rét.
Trong đời ta, phải đặt việc dâng lễ Mi-sa lên hàng ưu tiên trước các việc lành khác, vì theo Thánh Bê-na-đô: “Người ta được nhiều công phúc khi dự lễ thật sốt sắng, hơn khi người ta bố thí tất cả của cải mình có cho người nghèo, và hơn đi hành hương trên khắp thế giới.”
Không có gì sánh ví được, vì trên thế giới này không có gì giá trị vô cùng hơn Thánh lễ Mi-sa. Phải quý mến Thánh lễ Mi-sa hơn các việc giải trí khác, chỉ làm mất thời giờ và không đem lại lợi ích cho linh hồn. Thánh Lu-y IX, vua nước Pháp, đã dự lễ nhiều lần mỗi ngày. Một viên chức trong hoàng cung phàn nàn về chuyện này, nói rằng vua có thể dùng thời giờ đó để làm nhiều việc cho quốc gia. Vua nói với mọi người rằng: “Nếu ta dùng gấp đôi số giờ đó để giải trí như đi săn bắn, nào có ai chống đối, cấm cản được ta!” Hãy quảng đại và tự tình hy sinh để đừng làm mất phúc lành lớn lao này. Thánh Au-gút-ti-nô nói với các tín hữu của Ngài rằng: “Mỗi bước của người đi dự lễ đều được Thiên Thần đếm cả, người đó sẽ được thưởng công lớn đời này lẫn đời sau.” Cha thánh xứ Ars còn thêm: “Hạnh phúc chừng nào, linh hồn được Thiên Thần bản mệnh đi theo tới nơi dâng Thánh lễ.”
Khi người ta nhận thức giá trị vô cùng của Thánh lễ Mi-sa, người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy các Thánh hăm hở trông mong dự Thánh lễ hàng ngày, bao nhiêu lần có thể.
Thánh Au-gút-ti-nô đã ca ngợi mẹ Ngài là Thánh nữ Mô-ni-ca về điều này: “Lạy Chúa, mẹ con không để ngày nào qua đi mà không đến dự lễ hy sinh trước bàn thờ Chúa.” Thánh Phan-xi-cô thường khó khăn tham dự mỗi ngày hai lễ. Khi bệnh nặng, Ngài xin anh em linh mục dâng lễ tại phòng riêng để Ngài có thể tham dự.
Mỗi sáng, sau khi dâng lễ, Thánh Tô-ma A-qui-nô lại giúp thêm một lễ khác nữa để cảm ơn Chúa.
Thánh Pát-can Ba-by-lon, một em bé chăn chiên, vì phải trông coi đàn chiên nên không thể đến dự lễ tại nhà thờ như lòng mong muốn, mỗi khi nghe chuông đổ báo hiệu Thánh lễ, bé quỳ xuống giữa đàn chiên, trên bãi cỏ, trước cây Thánh Giá gỗ đã làm sẵn, và như thế từ xa bé theo dõi linh mục dâng lễ Mi-sa tại nhà thờ. Ôi vị Thánh đáng yêu chừng nào, Ngài thực là Thiên Thần sốt mến của tình yêu Thánh Thể. Trên giường hấp hối, khi nghe tiếng chuông đổ báo hiệu Thánh lễ, Ngài nói với anh em: “Tôi sung sướng hợp nhất hy sinh bé nhỏ của tôi với hy sinh của Chúa Giê-su.”
Thánh nữ Ma-ga-rít, hoàng hậu nước Scốt-len, là mẹ của tám người con, Ngài thường đi dự lễ mỗi ngày, Ngài đem con đi, và với sự săn sóc của tình mẫu tử, Ngài dạy con biết quý trọng cuốn sách lễ nhỏ mà Ngài đã trang hoàng với ngọc thạch.
Hãy sắp xếp công việc khéo léo để không thiếu giờ dự lễ. Đừng nói rằng quá bận nhiều công chuyện. Chúa Giê-su đã nhắc nhở: “Mác-ta, Mác-ta, chị bối rối lo lắng về nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.” (Lc 10, 41-42).
Khi người ta muốn thật, người ta sẽ tìm ra giờ để lỗi bổn phận. Thánh Giu-se Cốt-tô-len-gô khuyên mọi người dự lễ hằng ngày: giáo chức, bác sĩ, công nhân, và cả những ai nói rằng không có thì giờ, Ngài cũng bảo: “Sắp xếp tồi quá! Tiết kiệm thời giờ không hay!” Ngài nói đúng, vì nếu ta ca ngợi Thánh lễ có giá trị vô cùng, thì tại sao ta không mong ước được tham dự, tại sao ta tham dự với vẻ bắt buộc hay cho qua, và tại sao không sắp xếp thời giờ để tham dự?
(Còn tiếp)